Gấp rút hoàn thành Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ

(PLVN) - Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra hôm qua (5/6) khi chủ trì buổi làm việc với đại diện các bộ, ngành, bàn giải pháp thúc đẩy sớm hoàn thành việc kết nối, tích hợp báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội và thông tin báo cáo hàng ngày phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

33 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã kết nối

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, nhờ sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay, 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã rà soát, chuẩn hóa một bước các chế độ báo cáo định kỳ; hầu hết địa phương cũng rà soát, xác định các chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý (nếu có) để thực hiện chuẩn hóa. 

Các thông tư, quyết định quy định chế độ báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương đã bãi bỏ nhiều báo cáo không cần thiết, đơn giản hóa nhiều nội dung báo cáo trùng lặp; giảm tần suất báo cáo; mẫu hóa đề cương, biểu số liệu, tạo tiền đề cho việc số hóa, thực hiện báo cáo điện tử. 

Trong số 200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (theo Quyết định 293), có 78 chỉ tiêu các bộ, cơ quan triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo/Hệ thống thông tin chuyên ngành có khả năng tích hợp trực tiếp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa VPCP với các bộ, cơ quan, đến nay, 20 chế độ báo cáo và 33 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, trong đó một số chỉ tiêu đã có dữ liệu thực và bước đầu được tổng hợp, phân tích đưa ra Bảng hiển thị của Hệ thống và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành.

VPCP đang tiếp tục phối hợp cùng các bộ, cơ quan để tích hợp và cung cấp dữ liệu với 45/78 chỉ tiêu còn lại. Còn lại 122/200 chỉ tiêu các bộ, cơ quan chưa triển khai điện tử, phải nhanh chóng hoàn thành để đến thời điểm khai trương (dự kiến trung tuần tháng 8/2020) có ít nhất 150 chỉ tiêu thống kê thực trên hệ thống.

Về việc chuẩn hóa hệ thống báo cáo, ông Dũng cho biết, một số bộ, ngành làm tốt việc ban hành thông tư quy định mẫu chuẩn và chuẩn hóa báo cáo, chỉ tiêu đồng bộ nhưng cũng còn những bộ, ngành chưa ban hành thông tư hoặc ban hành thông tư nhưng chưa chuẩn hóa được báo cáo.

“Chúng tôi đang tập trung thi công để khai trương Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành trên diện tích khoảng 200m2 với các màn hình kết nối. Thủ tướng ngồi ở phòng nhưng đọc được toàn bộ các nội dung liên quan đến báo cáo chuyên đề như hải quan, xuất - nhập khẩu, hoạt động của cửa khẩu đường bộ, đường không...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Phải bảo vệ bí mật dữ liệu

Với 101 chỉ tiêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải tích hợp nhiều nhất. Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Bộ này cho biết, do có số lượng biểu mẫu báo cáo nhiều nên dù làm cật lực nhưng chỉ riêng việc đưa 200 mẫu vào hệ thống báo cáo chứ chưa nói đến triển khai chuẩn hóa trên điện tử, test thử đã mất tối thiểu 1 tháng.

Quá trình chuẩn hóa mẫu rất vất vả. Bộ đang đặt kế hoạch trong vòng 1 tháng nữa sẽ xong các mẫu báo cáo sau đó mới test thử rồi triển khai xuống các sở. Đại diện Bộ Tư pháp cho biết Bộ có 5 biểu mẫu và đã kết nối xong toàn bộ 5 biểu mẫu này. Về phần mềm, Bộ đã có phần mềm về triển khai chế độ báo cáo đến tận cấp xã.

Đối với việc kết nối các chỉ tiêu theo Quyết định số 293, đại diện Bộ Tư pháp chỉ ra một số khó khăn, trong số 5 thì có 1 chỉ tiêu Bộ chưa từng cung cấp theo tháng mà từ ngày có chế độ báo cáo đến nay thường thực hiện khoảng 6 tháng hoặc 1 năm, theo Quyết định 293, đây là lần đầu tiên có chỉ tiêu theo tháng, Bộ dự kiến sẽ trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia để trích xuất ra báo cáo tháng.

Tuy nhiên, việc này gặp khó khăn là các bộ, ngành cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia hiện rất hạn chế; các bộ, ngành cập nhật văn bản quy phạm chậm nên dẫn tới tình trạng đối chiếu với báo cáo hàng năm với dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia thì năm nào cũng bị hụt hơn. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo cán bộ về nhập liệu cập nhật thường xuyên đối với những văn bản bộ, ngành mình ban hành; khi ban hành xong phải cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia để đảm bảo dữ liệu. 

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao các Bộ khẳng định đến ngày 15/8 cơ bản sẽ hoàn thành công việc được giao. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết tinh thần là sẽ thành lập Trung tâm báo cáo phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiến tới hình thành Trung tâm báo cáo quốc gia.

Nhấn mạnh việc bảo vệ an toàn thông tin là rất quan trọng vì các dữ liệu quốc gia đều nằm trong đó, “vận mệnh quốc gia” cũng nằm trong đó rất nhiều, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng dữ liệu báo cáo phải chuẩn, số liệu thực trong từng thời gian cụ thể và phải bảo vệ bí mật quốc gia này như tài nguyên vô cùng giá trị. 

Theo đó, số liệu chính gốc phải chuẩn, dễ đọc, dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ mang nhưng không bị “mất cắp”, ai có quyền mới được khai thác. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành đã dữ liệu sẵn sàng thì kết nối luôn với hệ thống của Chính phủ còn những bộ chưa sẵn sàng thì tiếp tục triển khai. Những bộ chưa ban hành thông tư thì cần rà soát lại để có hướng dẫn chi tiết, cụ thể; số liệu báo cáo mang tính định lượng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh tinh thần là trong năm nay, 30% báo cáo định kỳ sẽ được kết nối lên Trung tâm báo cáo của Chính phủ; trước mắt là vào thời điểm khai trương tới đây, 100% các bộ, cơ quan có chỉ tiêu kết nối trên hệ thống. 

Đọc thêm