“Gấu Nga” giận dữ, xóa sổ lực lượng giết phi công Su-24

(PLO) - Theo thông tin được xác nhận từ hai phía Nga và Syria, viên tướng Rasheed Bakdash, người trực tiếp chỉ huy quân lính bắn chết phi công của máy bay Su-24 đã bị Nga tiêu diệt trong một cuộc không kích mới đây.
Hình ảnh chiếc cường kích Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24-11.
Hình ảnh chiếc cường kích Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24-11.
Tướng ra lệnh bắn phi công Su-24 của Nga bị tiêu diệt
Hôm 26/11, Bộ Quốc phòng Nga công bố quân đội Nga và Syria đã cùng kết hợp tấn công trừ khử toàn bộ phần tử khủng bố trong khu vực máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi.
Ông Ignor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Nga cho biết: "Ngay sau khi phi công của chúng tôi được giải cứu, quân đội Nga đã huy động máy bay ném bom xuống khu vực trong khi đó quân đội Syria bao vây và kích nổ khu vực mặt đất."
Bộ trưởng đồng thời đặt nhiều nghi vấn phía Thổ Nhĩ Kỳ bởi họ đã không cho phép được tiếp cận với các mảnh vỡ ở hiện trường, dẫn đến đoạn băng ghi âm được đưa ra trước đó có khả năng là giả mạo.
Cùng ngày hôm đó, lực lượng quân đội Syria Tự do (FSA) đã đưa ra thông báo về việc một viên tướng có tên  Rasheed Bakdash đã "hy sinh trong khi làm nhiệm vụ" tại Lakatia, khu vực máy bay Su-24 bị bắn hạ.
Viên tướng có tên Rasheed Bakdash đã "hy sinh trong khi làm nhiệm vụ" tại Lakatia.
 Viên tướng có tên Rasheed Bakdash đã "hy sinh trong khi làm nhiệm vụ" tại Lakatia.
Viên tướng này được cho là người đã ra lệnh nổ súng bắn chết một phi công Nga lái chiếc Su-24. Thông tin này "vô tình" hoàn thiện nốt những mảnh ghép cuối cùng về vụ phi công Nga bị giết hại. 
Sau khi Murakhtin, hoa tiêu trên chiếc Su-24 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, được đặc nhiệm Syria tìm thấy và đưa về căn cứ an toàn, các máy bay ném bom chiến lược Nga phối hợp lực lượng pháo binh của quân đội chính phủ Syria đã không kích, pháo kích dữ dội khu vực này suốt nhiều giờ. 
"Các đơn vị phiến quân hoạt động ở đó đã bị tiêu diệt hoàn toàn", tướng Konashenkov nói.
F-16 Thổ Nhĩ Kỳ "phục kích" hơn 1 giờ đồng hồ
Hãng RIA Novosti chiều ngày 27/11 dẫn lời Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev cho biết, hai máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bay hơn 1 giờ đồng hồ ở độ cao 2.400 mét cho đến khi bắn hạ cường kích Su-24 của Nga.
Theo Tư lệnh Không quân Nga, điều này khẳng định kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ đã được chuẩn bị từ trước.
“F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ được bố trí trên bầu trời nhằm phục kích máy bay Su-24 của Nga. Thực tế cho thấy, máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên sân bay gần nhất biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có đủ thời gian để tiếp cận máy bay Nga”, Thượng tướng Viktor Bondarev khẳng định.
Theo Tư lệnh Không quân Nga, thời gian F-16 cất cánh từ sân bay hỗn hợp dân sự và quân sự Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ đến điểm bắn hạ máy bay Nga là 46 phút, trong đó 15 phút là chuẩn bị và cất cánh, 31 phút để thực hiện chuyến bay và không kích.
“Như vậy, việc F-16 cất cánh từ sân bay Diyarbakir để đánh chặn Su-24 của Nga là không thể”, Tư lệnh Không quân Nga nói.
Cũng theo Thượng tướng Bondarev, các kết quả điều tra của Syria xác nhận radar phát hiện hai chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ở gần biên giới Syria trong khoảng thời gian từ 9h11’ đến 10h26’ ở độ cao 2.400 mét. 
Và điều này chỉ có thể thực hiện theo kế hoạch được lên từ trước với sự sẵn sàng cao nhất cho cuộc phục kích trên không.
Putin cáo buộc Mỹ đồng lõa vụ bắn hạ Su-24
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga đã cung cấp thông tin trước cho Mỹ về đường bay cũng như thời gian của chiến đấu cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại biên giới Syria. Ông Putin cáo buộc Mỹ đồng lõa trong việc bắn hạ Su-24, Daily Mail đưa tin.
“Phía Mỹ, bên dẫn đầu liên minh có Thổ Nhĩ Kỳ, biết chính xác về địa điểm và thời gian các chuyến bay của chúng tôi, và máy bay của chúng tôi bị tấn công đúng vào thời gian và địa điểm đó”, ông Putin nói trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại điện Kremlin.
Tổng thống Putin cho rằng, Mỹ đã cố ý rò rỉ thông tin về đường bay của chiến đấu cơ Su-24 cho Thổ Nhĩ Kỳ. 
Lực lượng tiêm kích F-16 hùng hậu của Thổ Nhĩ Kỳ.
 Lực lượng tiêm kích F-16 hùng hậu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước cuộc hội đàm với ông Hollande, Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã lời qua tiếng lại. Tổng thống Putin nói rằng, ông chờ đợi một lời xin lỗi từ ông Erdogan và lời đề xuất bồi thường, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đưa ra bất kỳ động thái nào như vậy. 
Thậm chí ông Erdogan còn đòi Nga phải xin lỗi vì máy bay Nga đã “vi phạm không phận” Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, họ sẽ không bắn hạ máy bay nếu biết nó là của Nga. Đáp trả, ông Putin nói: “Chúng (các máy bay của Nga) có dấu hiệu nhận biết và rất dễ nhìn thấy. Thay vì (Thổ Nhĩ Kỳ) đảm bảo điều này không bao giờ xảy ra một lần nữa, chúng tôi lại được nghe lời giải thích khó hiểu và tuyên bố rằng không có gì phải xin lỗi về sự việc này”. 
Ông Putin cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu từ lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Từ trên trời, chúng tôi đã nhìn thấy những xe chở dầu đi vào Thổ Nhĩ Kỳ cả ngày lẫn đêm”, ông nói. “Những thùng này không chỉ chứa dầu mà còn cả máu của công dân chúng tôi, bởi vì với số tiền này, bọn khủng bố đã mua vũ khí, đạn dược và sau đó tổ chức các cuộc tấn công đẫm máu”, ông nói thêm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Những ai nói chúng tôi mua dầu từ IS có nghĩa vụ chứng minh điều đó. Nếu không, họ là những kẻ vu khống”. Ông Erdogan đưa ra phát biểu trên sau khi 39 doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ dự một hội nghị về nông nghiệp tại Nga bị bắt và trục xuất khỏi nước này.

Đọc thêm