Ghi âm, ghi hình bảo vệ cả bị can và cán bộ hỏi cung

(PLO) - Tại phiên thảo luận Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) hôm qua (17/6), nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định khi hỏi cung phải ghi âm, ghi hình cũng như quy định bị can, bị cáo được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường
Trình Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) trước Quốc hội, Chính phủ đề nghị ngoài quy định phải lập biên bản như hiện nay, cần quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình; đồng thời đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật. 
Chống bức cung, nhục hình
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đây là một quy định tiến bộ, thể hiện sự công khai, minh bạch, khắc phục được việc bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, vấn đề ĐB Học băn khoăn là nguồn kinh phí. “Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật khảo sát để giải trình trước Quốc hội nguồn kinh phí chúng ta trang bị cho việc ghi âm, ghi hình là bao nhiêu, chúng ta có đáp ứng được hay không?”, ông Học nói. 
Ủng hộ quy định phải ghi âm, ghi hình tất cả mọi trường hợp, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) nhấn mạnh, ngoài việc chống ép cung, chống nhục hình còn  giúp cơ quan tố tụng trong những trường hợp bị phản cung. 
“Không ai thích khi làm một việc luôn luôn có một cái máy theo dõi, quản lý chặt chẽ, nhưng theo tôi, trong thực tế để tránh được những sai sót thì nên áp dụng biện pháp này. Tuy có tốn kém, phải đầu tư, nhưng tôi nghĩ có thể làm được” - ĐB Trường nói.
ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) chỉ ra thực tế hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm căn cứ chặt chẽ trong đấu tranh đối với các tội phạm. Tuy nhiên, trước quan điểm của Ủy ban Tư pháp cho rằng chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung đối với các tội và hình phạt tù chung thân và tử hình, ĐB Trường thẳng thắn “là không phù hợp”. Vì trên thực tế, việc bức cung, nhục hình để xảy ra oan sai không chỉ xảy ra đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà còn xảy ra đối với mọi loại tội phạm.
Trước ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can rất khó khả thi. ĐB Trường dẫn chứng: “Trên thị trường hiện nay, giá một chiếc máy ghi âm chỉ trên dưới 1.000.000 đồng. Ngay trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nhiều Bộ, ngành đã áp dụng việc ghi hình, chưa nói đến tư pháp là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, đó là quyền tự do, quyền sống”, do đó ông tỏ ra lạc quan về tính khả thi trong quy định nói trên.
Ở một khía cạnh khác, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại lưu ý: Cần phải rà soát lại các quy định cụ thể trong Dự thảo có liên quan đến thủ tục niêm phong, bảo quản băng ghi âm để các thông tin này trở thành nguồn chứng cứ trực tiếp chứng minh của vụ án, còn nếu theo ý kiến của Ủy ban Tư pháp chỉ ghi âm, ghi hình đối với tội có hình phạt tù chung thân, tử hình, hoặc trường hợp khác xét thấy cần thiết. 
Nếu quy định như vậy, trường hợp khác xét thấy cần thiết là những trường hợp nào?. Như vậy dễ dẫn đến sự tùy tiện trong hỏi cung và không khách quan, là mâu thuẫn với đề xuất trong Báo cáo giám sát oan, sai mà Quốc hội mới thảo luận. 
Bị cáo không biết chữ, có thể nhờ người khác?
Về quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, Chính phủ đề xuất, nhằm tạo điều kiện để bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa đã được hiến định, cần bổ sung cho họ quyền này và quy định về điều kiện đọc, thời điểm đọc, phạm vi và cách thức đọc. 
ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) đánh giá đây là biện pháp cần thiết để bảo đảm cho họ thực hiện quyền tự bào chữa một cách công bằng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật mới quy định bị can, bị cáo được quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội trong vụ án, trong trường hợp bị cáo không mời được người bào chữa mà chưa quy định những bị can, bị cáo theo khung hình phạt chung thân, tử hình. 
Bên cạnh đó, tố tụng hình sự nước ta thuộc mô hình thẩm vấn, do vậy hồ sơ vụ án có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ quá trình chứng minh tội phạm, đòi hỏi hồ sơ phải được bảo quản hết sức nghiêm ngặt. 
“Quá trình soạn thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự, Ban soạn thảo đã tính đến vấn đề này chưa? Đồng thời, bảo đảm quyền của bị can, đọc hồ sơ vụ án không chỉ liên quan đến Bộ luật Tố tụng Hình sự mà còn liên quan chặt chẽ đến Luật Tạm giữ, Tạm giam đang được Quốc hội thảo luận. Vì vậy, phải bảo đảm sự liên thông giữa hai luật này” - ĐB đề nghị.
Còn ĐB Lê Dân Khiết (An Giang) đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội xem xét thêm cho trường hợp bị can, bị cáo không biết chữ hoặc đọc được, viết không được hoặc bị can, bị cáo phải nhờ phiên dịch thì nên có chế định để được người khác giúp, có thể đó là cán bộ quản giáo hoặc người bị giam cùng phòng. Với sự đồng ý của cơ quan điều tra và giám thị ở trại giam  và để việc cất giữ đảm bảo an toàn cần có một quy định trật tự theo nội quy của trại tạm giam.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng sử dụng các tài liệu vào mục đích bất hợp pháp hoặc gây phương hại cho người khác, ĐB Siu Hương (Gia Lai) và một số ĐB đề nghị quy định cụ thể việc bị can, bị cáo được đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án như số lần đọc, thời gian và nơi lưu trữ, lưu trữ tài liệu mà bị can, bị cáo sao chép… 

Đọc thêm