Giám đốc CATP Hà Nội lý giải thắc mắc về 12 con số định danh cá nhân

(PLO) - Những câu hỏi: Tại sao số định danh cá nhân lại là 12 mà không phải là 9 số? Có nên đưa nhóm máu và thông tin của thẻ căn cước không?... đã được các ĐBQH đưa ra trong buổi thảo luận về Luật Căn cước công dân. Phát biểu tại Hội trường, Giám đốc công an Tp Hà Nội - ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng những vấn đề đó hoàn toàn có căn cứ khoa học và thực tế.
ĐBQH Nguyễn Đức Chung - giám đốc Công an Tp Hà Nội
ĐBQH Nguyễn Đức Chung - giám đốc Công an Tp Hà Nội
Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, Chính phủ đã chuẩn bị dự án luật rất công phu, nghiêm túc. Ông cho rằng dự thảo luật cho rằng khi được Quốc hội thông qua luật này sẽ tạo một bước đột phá về cải cách hành chính theo tinh thần nhà nước phục vụ Nhân dân, giảm giấy tờ cấp cho Nhân dân, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại của công dân khi làm thủ tục cấp, đổi về giấy tờ, căn cước công dân.
Nói về ý nghĩa của Dự luật, ông nói: "Dự thảo luật đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp 26, 27. Theo đó dự án luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa về giấy tờ, căn cước công dân theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 về Đề án 896 của Chính phủ.
Liên quan đến số định danh cá nhân, - theo Dự luật, là con số của mỗi một công dân từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi - nhiều đại biểu đặt câu hỏi tại sao không là 9 số như CMND cũ, ĐB Nguyễn Đức Chung lý giải: Số định danh cá nhân này 12 chữ số, ngoài số thứ tự để đảm bảo cho dân số xếp hàng thứ triệu thì ở trong số định danh cá nhân này còn là con số mã hóa liên quan đến vùng, mã hóa liên quan đến giới tính, do vậy phải đảm bảo 12 chữ số. Quy định 12 chữ số còn liên quan đến các thủ tục mà sau này chúng ta viết các phần mềm để phục vụ cho quản lý dữ liệu dân cư và là dữ liệu gốc để triển khai cải cách thủ tục hành chính cho tất cả các lĩnh vực khác thì phải có 12 chữ số, sau này chúng ta mới có thể xử lý được.
ĐB Chung cũng cho biết, số định danh cá nhân sẽ đảm bảo dù sau này người công dân bị mất chứng minh thư thì đến bất cứ một địa phương nào đều có thể cấp lại được, nhưng cấp lại sẽ thể hiện ở vùng được cấp lại. Cấp lại trên mạng dùng chung trên cả nước, do vậy nó không ảnh hưởng gì. Nếu 9 số thì có nhiều người hiện nay cấp mất đổi nhưng có người hiện nay sử dụng 5-6 số chứng minh thư, như thế khó cho công tác quản lý và công tác lưu trữ....
Tuy nhiên, với tư cách là một ĐB QH, thay mặt cử tri để phát biểu đề Dự luật, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng "Quan điểm, suy nghĩ của tôi là qua tâm tư nguyện vọng của các cán bộ chiến sĩ trong ngành công an, cũng như ý kiến của các cử tri đề nghị luật này không nên là thẻ căn cước công dân mà để là chứng minh thư."
Ông phân tích, việc lấy tên Chứng minh thư ở đây sẽ có mấy điều thuận lợi: Thứ nhất, nếu thay đổi chữ căn cước công dân, chỉ cần chữ căn cước công dân viết tắt là toàn bộ hệ thống phần mềm của các cơ sở ngân hàng tín dụng là phải thay đổi, phải sửa. Thứ hai, bây giờ chúng ta cấp hàng bao nhiêu triệu liên quan đến sổ đỏ của người dân, bây giờ cũng phải cấp lại. Thứ ba, tất cả các giao dịch hành chính liên quan đến khai mà có chứng minh thư là cũng phải thay đổi các biểu mẫu. Thứ tư, có những điều luật và nghị định đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, ví dụ như Luật xử lý vi phạm hành chính có điều liên quan đến phạt có chữ chứng minh thư thì tới nay cũng phải thay đổi những điều luật này. 
"Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội thay đổi thành Luật căn cước nhưng quan điểm của chúng tôi cũng như qua tiếp xúc cử tri thì người dân thấy để chứng minh thư thuận tiện hơn. Quy định chứng minh thư ở miền bắc được quy định tại nghị định từ năm 1957 và cả nước thống nhất quy định từ năm 1976 đến nay. Chúng ta đã làm được 68 triệu dân, khi làm việc với nước ngoài người ta nói đây là cơ sở vô cùng quý báu. Bây giờ chúng ta thay đổi lại toàn bộ phần mềm quản lý này sẽ có những khó khăn nhất định. Từ những lập luận như vậy, tôi đề nghị chúng ta nên để là chứng minh chứ không nên để căn cước công dân." ông đề nghị
Liên quan đến nhóm máu, ĐB Nguyễn Đức Chung đưa ra dẫn chứng từ ngành công an: Hiện nay làm chứng minh thư công an nhân dân đã có nhóm máu. Cái này phục vụ rất tốt cho việc mỗi một lần cán bộ bị thương hoặc có vấn đề gì khi cần huy động cán bộ, chiến sỹ ủng hộ máu cho đồng đội mình rất tiện. Ông cũng cung cấp thông tin về việc Việt Nam  đang tiếp nhận những dự án của Nhật Bản là xây dựng các trạm cấp cứu ở trên các đường cao tốc. Muốn cấp cứu ở trên đường là phải có nhóm máu ngay thì mới có tác dụng. 
"Tôi nêu hai thông tin này để các đại biểu Quốc hội có thể tham khảo để chúng ta có nên cho hay không cho nhưng có thể nói tất cả các nước tiên tiến hiện nay đưa vào thẻ công dân của họ thì họ đều có nhóm máu ở trong đó. Đấy là việc phục vụ cho thiên tai, cho tất cả các lần liên quan đến cấp cứu. Việc đó là nhân đạo và rất tốt." - ông nói.

Đọc thêm