Giám sát chặt “đường đi” của tiền đóng bảo hiểm

(PLO) - Mặc dù còn hơn 9 tháng nữa Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới có hiệu lực nhưng việc thực thi Luật này đã thu hút được sự chú ý của cả nhân dân lẫn các cơ quan chức năng.
Hàng năm, người lao động được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH. (ảnh minh họa)
Hàng năm, người lao động được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH. (ảnh minh họa)
Hợp đồng dưới 3 tháng cũng được đóng bảo hiểm
Người dân, nhất là những người được coi là lao động (LĐ) yếu thế, thiếu công ăn việc làm ổn định đặc biệt vui mừng khi biết rằng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định dù người LĐ chỉ ký hợp đồng LĐ dưới 3 tháng vẫn được đóng BHXH.
Hơn nữa, chủ sử dụng LĐ không thể trốn tránh việc đóng BHXH bởi theo luật, đây là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH. 
Từ trước đến nay, việc mình có tham đóng BHXH hay không người LĐ chỉ được biết khi nhìn vào số tiền bị trừ lúc nhận lương. Nhưng trên thực tế, rất nhiều chủ sử dụng LĐ hàng tháng đều trừ tiền đóng BHXH của người LĐ nhưng số tiền đó thay vì đến với cơ quan bảo hiểm thì lại “chạy” đi đâu không ai biết.
Để chấm dứt tình trạng này, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Trần Thị Thúy Nga cho biết, Luật BHXH sửa đổi có quy định cho phép người LĐ được quyền giám sát hoạt động đóng bảo hiểm của cơ quan nơi làm việc, thậm chí còn được nhận thông tin từ cơ quan BHXH nơi đóng.
Cứ định kỳ 6 tháng một lần, doanh nghiệp, chủ sử dụng LĐ có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH; hàng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người LĐ do cơ quan BHXH cung cấp.
Mức lương hưu tối đa – lao động nữ “khó với”? 
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người LĐ đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với số năm đóng.
Cụ thể, LĐ nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. LĐ nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người LĐ được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, theo tính toán, với quy định này phụ nữ sẽ khó nhận được mức lương hưu tối đa.
Sẽ có hơn 5.000 thanh tra bảo hiểm xã hội
Một trong những điểm mới trong Luật BHXH sửa đổi là có sự xuất hiện của cơ quan Thanh tra thuộc hệ thống BHXH. Vụ trưởng Vụ BHXH Trần Thị Thúy Nga khẳng định sẽ thêm quyền thanh tra cho bộ máy thu và kiểm tra BHXH. Con số thống kê cho thấy, hiện trên toàn quốc, bộ máy này đang có hơn 5.000 người. Như vậy sắp tới, việc thực thi pháp luật trong hoạt động đóng BHXH của doanh nghiệp, tổ chức sẽ bị “soi” triệt để. 
Tại cuộc hội thảo “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thông qua việc triển khai thi hành Luật BHXH” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 12/3, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng để giải quyết vấn đề này, việc tăng tuổi nghỉ hưu rất quan trọng vì nó giúp sử dụng nguồn nhân lực với chất lượng cao.
Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ giảm thiểu gánh nặng của việc mất cân bằng quỹ BHXH trong tương lai. Nhưng trước mắt tại Việt Nam, nguồn cung LĐ đang nhiều hơn cầu sử dụng. Do đó, nếu tăng tuổi nghỉ hưu ngay sẽ gây áp lực cho xã hội. Vì vậy mà trước mắt cần phải giữ mô hình này, còn về sau “tăng thế nào, lộ trình ra sao, đối tượng nào thực hiện trước thì Chính phủ đang nghiên cứu”, ông Lợi cho biết.
Cán cân tuyên truyền và nhận thức
Luật BHXH sửa đổi với những điểm mới đã thực sự đặt ra cho các cơ quan chức năng một “bài toán” khó. Đó là làm sao đạt được sự cân bằng giữa công tác tuyên truyền luật và nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc thực thi.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân – nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh nội dung tuyên truyền được xác định phải tương thích với đối tượng cần tác động. Các nội dung này nên được xác định thống nhất với một sự chỉ đạo chung, nhất quán theo một kế hoạch tổng thể từ sự thống nhất của hai cơ quan Bộ LĐ-TB&XH với BHXH Việt Nam. 
Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, khó khăn, thách thức lớn nhất mà Luật BHXH hiện hành đang đối mặt đó là mức độ tuân thủ tham gia BHXH bắt buộc chỉ đạt 60-70% so với quy định. Do đó, phải tuyên truyền sao cho tăng cường được sự tuân thủ tham gia bảo hiểm ở nhóm bảo hiểm bắt buộc.
Theo tính toán, số người LĐ có khả năng tham gia BHXH tự nguyện hiện  khoảng 37 triệu (23 triệu lao động nông nghiệp và gần 17 triệu LĐ khu vực không chính thức). Tuy nhiên kể từ năm 2008 đến nay, BHXH tự nguyện mới chỉ có 139.000 người tham gia.
Do đó, cần tăng cường thông tin, truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt là nông dân./.

Đọc thêm