Gian nan thu hồi tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng

(PLO) - Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống các tội phạm này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, thách thức đối với các cơ quan có thẩm quyền, trong đó một vấn đề bức xúc trong xã hội là kết quả thu hồi tài sản sau xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng còn hạn chế.
Gian nan thu hồi tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng

Để đảm bảo hiệu lực thi hành các bản án, quyết định của Tòa án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đặc biệt là việc thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, đôn đốc sát sao và thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ giải quyết việc thi hành án (THA); kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả THA. 

Trong các vụ án này, cùng với việc tiếp tục xác minh điều kiện THA, cơ quan THADS chủ yếu phải xử lý các tài sản đã được các cơ quan tiến hành tố tụng kê biên trước đó để đảm bảo THA. Tuy nhiên, trong phần lớn các vụ án, do số tiền phải thi hành lớn nhưng do trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đến việc truy tìm, kê biên, phong tỏa kịp thời tài sản liên quan trong vụ án nên đương sự đã tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản trước khi THA nên đến giai đoạn THA thì không có tài sản. Trường hợp khác, đương sự có tài sản nhưng giá trị rất thấp hoặc do cơ quan THADS không có thẩm quyền điều tra, chứng minh nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có nên kết quả thu hồi tiền, tài sản sau xét xử rất thấp.

Thực tế cũng cho thấy, các vụ án kinh tế, tham nhũng thường liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, nhiều cơ quan, tổ chức nên công tác phối hợp còn chậm, chưa hiệu quả. Các tài liệu, giấy tờ liên quan đến tài sản là bất động sản còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, sai lệch; tài sản phải THA có giá trị lớn, đặc thù; đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chống đối, cản trở… nên việc THA thường kéo dài. Mặt khác, một số chấp hành viên năng lực còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao nên quá trình THA còn để xảy ra thiếu sót, vi phạm dẫn đến đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khiếu nại, tố cáo hoặc cơ quan có thẩm quyền kiến nghị, kháng nghị.

Ngoài ra, một số quy định pháp luật THADS và các quy định pháp luật có liên quan còn chưa đồng bộ, không khả thi. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định minh bạch về quản lý, kiểm soát, xử lý tài sản của cá nhân; việc đăng ký tài sản, đăng ký biện pháp bảo đảm còn chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Do đó, gây khó khăn cho người tiến hành tố tụng cũng như chấp hành viên trong việc xác minh, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn, xử lý, thu hồi tài sản cho Nhà nước cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự liên quan.

Việc thực hiện thẩm quyền của chấp hành viên trong quá trình THA chưa khả thi, phải phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo quy định pháp luật hiện hành, chấp hành viên được độc lập và có nhiều quyền trong quá trình tổ chức THA. Tuy nhiên, các quyền của chấp hành viên hiện nay chủ yếu là quyền “yêu cầu, đề nghị” nhưng không có chế tài ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu, đề nghị nên hầu như mọi tác nghiệp nghiệp vụ của họ đều phải trông cậy vào sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan. Do đó, chấp hành viên không thực sự được độc lập và chủ động trong quá trình THA.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả THA, thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ đối với các vụ việc THA phải thu hồi tài sản cho nhà nước theo hướng cơ quan THADS phải chủ động ra quyết định THA nhằm tăng tính trách nhiệm. Cần quy định rõ đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, cơ quan THADS có quyền được ủy thác cho các cơ quan THADS nơi có tài sản để xử lý, đồng thời tài sản của người phải THA nhằm nhanh chóng thu hồi tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân, liên quan và hạn chế việc hư hỏng, giảm giá trị của tài sản. Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký tài sản, đăng ký biện pháp bảo đảm, đặc biệt là sớm ban hành Luật Đăng ký tài sản và Nghị định hướng dẫn về đăng ký biện pháp bảo đảm theo những quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 để các quy định được thực hiện đồng bộ, thống  nhất. 

Đọc thêm