Giáo dục đào tạo trong quân đội: Đẩy mạnh cách mạng 4.0 và nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ

(PLO) -Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, các nhà trường quân đội đã phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp to lớn vào việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần thiết thực vào nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
 
Hình minh họa
Hình minh họa

Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020 đã triển khai thực hiện được 2/3 chặng đường và đạt kết quả quan trọng bước đầu. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Quốc phòng xác định mục tiêu, yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội là: đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có tư duy sáng tạo, có trình độ, kiến thức quân sự, chính trị, khoa học, chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Hoàn thành Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; phấn đấu đến năm 2020 có 100% giảng viên các học viện, trường sĩ quan, trường đại học có trình độ đại học, trong đó trên 60% có trình độ sau đại học (có 25% trở lên là tiến sĩ), 100% giảng viên giảng dạy đại học có trình độ sau đại học; 90% giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp, trường quân sự quân khu, quân đoàn có trình độ đại học, trong đó có 25% sau đại học. 

Tăng cường liên kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các nhà trường trong nước và hợp tác quốc tế. Áp dụng một số chương trình đào tạo, giáo trình tiên tiến, hiện đại thuộc các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển của Quân đội. Tập trung đào tạo theo chức vụ có trình độ học vấn tương ứng; trong đó, đào tạo cán bộ cấp phân đội có trình độ đại học là cơ bản, kết hợp với đào tạo các trình độ khác để đáp ứng cán bộ tại chỗ theo vùng miền, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu hợp lý về cán bộ, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu về tổ chức, biên chế của Quân đội trong những năm tới.

Trung tướng Phạm Hồng Hương - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: “Để hoàn thành các mục tiêu đó, nhằm tạo bước đổi mới cơ bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo, các nhà trường Quân đội cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác giáo dục, đào tạo; Đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch hệ thống nhà trường Quân đội theo hướng gọn, mạnh, hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa; Nâng cao chất lượng, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, tăng cường liên kết đào tạo giữa các nhà trường trong và ngoài Quân đội; Chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các nhà trường và kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học”.

Thời gian qua, các nhà trường trong Quân đội đã quyết liệt triển khai Chỉ thị 89/CT-BQP ngày 9/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường quân đội” và cuộc cách mạng lần thứ 4 (cách mạng 4.0). Thiếu tướng, TS. Phạm Lâm Hồng - Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết: “Ở tất cả các nước trên thế giới, những thành tựu Khoa học-Công nghệ (KH-CN) tốt nhất trước tiên được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, ở Việt Nam cũng như vậy. Với việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ tiếp cận được những thành tựu KH-CN của thế giới. 

Với cách mạng công nghiệp 4.0, Quân đội ta có nhiều điều kiện để hiện đại hóa vũ khí trang bị. Với những công nghệ trọng điểm của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể đổi mới tư duy về thiết kế. Các thiết bị công cụ thông minh cho phép chúng ta gia công chế tạo các chi tiết, cấu kiện phức tạp, các mạch điện tử tích hợp cực kỳ phức tạp. Công nghệ rô-bốt, công nghệ tự lái cho phép chúng ta có thể chế tạo các phương tiện bay, phương tiện thủy không người lái đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ quân sự. Hệ thống hạ tầng internet, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho phép chúng ta chế tạo, tích hợp các hệ thống cảnh giới vùng trời, vùng biển, biên giới quốc gia... Trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong vũ khí, các trang thiết bị quân sự sẽ làm chúng thông minh hơn, hỗ trợ nhiều hơn, chính xác hơn”.

Phát biểu tại Hội thi Olympic tiếng Anh các học viện, nhà trường quân đội lần thứ nhất, Thượng tướng Phan Văn Giang-Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Trước nhiều thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc học ngoại ngữ sẽ mang lại rất nhiều triển vọng, cơ hội, học tập, khát vọng cống hiến cho đất nước, quân đội. Olympic tiếng Anh các học viện, nhà trường quân đội lần thứ nhất là một trong những hoạt động thiết thực triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 89/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường quân đội”... 

Chung kết Hội thi Olympic tiếng Anh các học viện, nhà trường quân đội lần thứ nhất đã diễn ra vào hôm qua-17/11. Về giải cá nhân, thí sinh Phạm Tú Anh - Học viện Khoa học quân sự đạt điểm cao nhất với 93,50/100 điểm. Trong phần thi tập thể xuất sắc, có 6 đội tuyển vào vòng chung kết. Kết quả, đội tuyển Học viện Kỹ thuật quân sự đoạt giải Nhất; giải Nhì thuộc về 2 đội tuyển: Học viện Khoa học quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 2 và giải Ba thuộc về 3 đội tuyển: Trường Sĩ quan Thông tin, Học viện Hải quân, Học viện Quân y.

Đọc thêm