Giữ gìn Hà Nội cho muôn đời sau

(PLO) - Sáng qua (3/10), Hội thảo khoa học “60 năm giải phóng Thủ đô - thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” được tổ chức nhằm khẳng định rõ hơn thành tựu của Thủ đô qua suốt chiều dài lịch sử và những nỗ lực hướng tới tương lai.
Cầu Nhật Tân - công trình hiện đại vẫn mang tên xưa. Ảnh minh họa
Cầu Nhật Tân - công trình hiện đại vẫn mang tên xưa. Ảnh minh họa
Hà Nội có quá trình tích tụ văn hóa lâu dài, tạo nên một di sản văn hóa có sức kết tinh, lắng đọng sâu và tỏa chiều rộng. Theo GS Sử học Phan Huy Lê: “Đó là công sức lao động sáng tạo và đấu tranh không biết mệt mỏi của biết bao thế hệ cư dân bản địa và cư dân các vùng miền đất nước quy tụ về”. Vì thế, trong tiến trình đổi mới và hội nhập, vấn đề đặt ra là: “Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phải được bảo tồn, phát huy có hiệu quả cao nhất để tạo nên một trung tâm văn hóa của Thủ đô vừa tiếp nối con đường và truyền thống của Thủ đô qua hơn 1.000 năm lịch sử”.
Tuy nhiên, các nhà sử học và chuyên gia văn hóa nhấn mạnh, bảo tồn văn hóa của Hà Nội “không chỉ là bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di sản vật thể như các chùa, tháp, đền đình cổ kính, các di tích cách mạng, kháng chiến thời hiện đại mà còn bao hàm cả việc bảo tồn, phát huy di sản phi vật thể vốn chính là các truyền thống tốt đẹp và phong cách thanh lịch của người Hà thành”.
Đánh giá những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội qua vai trò là “TP vì hòa bình”, “một TP của đối thoại liên văn hóa”, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận xét: “Hà Nội đã chứng tỏ xứng đáng với danh hiệu của mình bằng việc tạo ra ngôi nhà bền vững cho tất cả cư dân và du khách của TP này”. 
Trong nỗ lực đương đầu và vượt qua những thách thức mới nhằm đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ, viên mãn cho người dân, công việc được Hà Nội không ngừng nỗ lực là bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội mà theo bà Katherine Muller-Marin: “đó là thương hiệu độc nhất vô nhị của TP để giữ gìn, chia sẻ với những thế hệ tiếp theo”. 
Muốn vậy, các nhà văn hóa đều cho rằng, cần phát huy được những nét “thanh lịch Tràng An” nổi tiếng của người Hà Nội. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam), có 6 phẩm chất “làm nên chất văn minh, thanh lịch của người Hà Nội” là chất trí tuệ, hàn lâm, văn hiến; giàu nghĩa khí, có khí phách và tính kẻ sĩ; chất hào hoa, phong nhã, tài tử và sáng tạo; lòng nhân ái, chuộng hòa bình và hòa đồng với cộng đồng; tính chừng mực, vừa phải; tính tôn ti, trật tự, tính kỷ luật, tôn trọng pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình phát triển, du nhập văn hóa và hội nhập cũng đem đến cho người Hà Nội không ít hạn chế trong nếp nghĩ và phong cách, đôi khi không phù hợp với sự chuyển động của thực tiễn, thậm chí “tụt lùi”. Do vậy, cùng với phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa thì người Hà Nội cần suy xét nghiêm túc về hạn chế trong nếp nghĩ và phong cách để thích nghi kịp thời với thời cuộc. Đánh giá cao những thành tựu của Thủ đô trong suốt 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhắc nhở: “Hà Nội lớn mạnh về mọi mặt đã tạo ra những cơ hội mới trong phát triển nhưng Hà Nội cũng đối mặt với nhiều thách thức. Vì thế, Hà Nội luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, người dân để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, mang đậm truyền thống ngàn năm văn hiến, ngày càng khẳng định được uy tín của Thủ đô ở khu vực và trên bình diện quốc tế”. 

Đọc thêm