Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Góp ý xây dựng văn kiện Đại hội XIII: Mong muốn dân tộc ta ngày càng cường thịnh, trường tồn

(PLVN) - Hôm nay (27/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ bắt đầu thảo luận về các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương khoá XII trình Đại hội XIII.

 

Đại hội XIII sẽ thảo luận các văn kiện để xác định các mục tiêu phát triển của đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Đại hội XIII sẽ thảo luận các văn kiện để xác định các mục tiêu phát triển của đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 26/1, báo cáo Đại hội về quá trình chuẩn bị văn kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội XIII, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra yêu cầu và có kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội XIII rất sớm. Ngay từ Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá XII (tháng 10/2018) đã quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự

Trong đó có 3 Tiểu ban liên quan đến việc chuẩn bị các văn kiện: Tiểu ban Văn kiện do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Tiểu ban.

Để giúp việc cho các Tiểu ban, Ban Bí thư đã quyết định thành lập các Tổ Biên tập và bộ phận giúp việc. Sau khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các Tiểu ban đã tích cực, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc; tiến hành tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và khảo sát thực tế.

Văn kiện Đại hội XIII là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân

Trong hơn 2 năm qua, các Tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức gần 60 cuộc hội nghị, hội thảo, toạ đàm và thành lập 50 đoàn đi khảo sát thực tế, làm việc, xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, tham vấn ý kiến các chuyên gia; đã tổ chức một số cuộc toạ đàm với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế; đã tổ chức 2 đoàn đi khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài.

Các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học đã gửi khoảng 80 báo cáo tư vấn, báo cáo kiến nghị cho các Tiểu ban. Nhiều đồng chí cán bộ lão thành, các nhà khoa học có tâm huyết cũng đã gửi thư, bài góp ý. Các báo cáo đã được nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để đưa vào các dự thảo văn kiện.

"Các ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã được nghiêm túc nghiên cứu, chắt lọc, lựa chọn tiếp thu.

Đại hội chúng ta chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu của đồng chí, đồng bào, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, nhân dân và đất nước, mong muốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc; dân tộc ta ngày càng cường thịnh, trường tồn" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Các Tiểu ban đã tiến hành 20 phiên họp để thảo luận, thông qua Đề cương và các dự thảo văn kiện, đồng thời thường xuyên có sự phối hợp giữa các Tiểu ban, Tổ Biên tập để bảo đảm sự thống nhất về nội dung giữa các văn kiện, trong đó Báo cáo chính trị là trung tâm. Bộ Chính trị đã họp nhiều lần để cho ý kiến hoàn thiện Đề cương và các dự thảo văn kiện trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương tại các Hội nghị Trung ương 10, 11, 14 và 15.

Các dự thảo Báo cáo đã được chỉnh lý, sửa chữa nhiều lần (Báo cáo chính trị khoảng 30 lần) và được gửi xin ý kiến rộng rãi của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể... Bộ Chính trị đã quyết định cho công bố công khai toàn văn các dự thảo Báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện và được tổng hợp gửi về Trung ương. Tổng hợp góp ý của đại hội đảng các cấp từ cấp cơ sở đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương, ý kiến của đại biểu Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả trong và ngoài nước (các ý kiến đóng góp được tổng hợp lại thành 1.410 trang; báo cáo tổng hợp chung gần 200 trang).

Trong quá trình soạn thảo các văn kiện, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng, cập nhật được sự thay đổi của tình hình, nhất là tác động của đại dịch COVID-19; vừa phát huy dân chủ rộng rãi, bảo đảm tính khoa học, kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện đã có nhiều bài viết, bài phát biểu rất quan trọng để chỉ đạo việc biên soạn các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, "Có thể khẳng định, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.

Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng Dân", hoà quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Thủ đô Hà Nội rực rỡ chào mừng Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
 Thủ đô Hà Nội rực rỡ chào mừng Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Văn kiện Đại hội XIII cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sự kết hợp trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với nhiều nội dung mới và điểm nhấn quan trọng.

Về nhận thức, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Về tầm nhìn, dự thảo Văn kiện đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, dự thảo Báo cáo chính trị lần này dành ra một mục riêng là quan điểm chỉ đạo với 5 nội dung quan trọng, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, đã nhấn mạnh không chỉ “kiên định và vận dụng” mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định cần phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc… khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”…

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 – 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng.

Dự thảo lần này đã điều chỉnh, xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Đồng thời bổ sung mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dự thảo lần này đã bổ sung, cụ thể hóa ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đọc thêm