Hà Giang: Nhức nhối lao động “chui” sang Trung Quốc làm thuê

(PLO) - Những năm gần đây, tình trạng lao động tự do vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc trên địa bàn tỉnh Hà Giang ngày một diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Mới đây nhất, huyện Mèo Vạc đã có 7 người chết, 33 người bị thương do lũ quét, sạt lở đất tại Mông Sơn khi sang Trung Quốc làm thuê.
Lãnh đạo xã Tụ Nhân hỏi thăm gia đình có người lao động trái phép ở Trung Quốc bị tử vong.
Lãnh đạo xã Tụ Nhân hỏi thăm gia đình có người lao động trái phép ở Trung Quốc bị tử vong.

Vượt biên trái phép, chi tiền cho “cò lao động” để lao động “chui” 

Ngày 18/7/2017, Sở Công an Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã gửi công hàm đến Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Nam Ninh thông báo danh sách những công dân Việt Nam bị nạn do lũ quét, sạt lở đất tại huyện Mông Sơn, TP. Ngô Châu (thuộc Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Theo đó, có 7 người chết, 33 người bị thương, tất cả đều cư trú ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, sang Trung Quốc làm thuê. Ngay sau khi nhận thông tin, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND huyện Mèo Vạc cùng các cơ quan liên quan như biên phòng, công an... khẩn trương kiểm tra, rà soát nhân khẩu ở các xã hay có người sang Trung Quốc làm thuê. Đồng thời, tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để xác minh nhân thân các nạn nhân. Đến nay, vẫn chưa nhận được báo cáo về kết quả xác minh. Vụ việc nói trên tiếp tục gióng một tiếng chuông cảnh báo về việc lao động “chui” ở Hà Giang sang Trung Quốc làm thuê.

Không như đi xuất khẩu lao động theo diện chính ngạch tại các nước mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết văn bản thỏa thuận đòi hỏi giấy tờ, hộ chiếu, hợp đồng lao động chặt chẽ, muốn sang Trung Quốc làm thuê, người lao động  chỉ cần bỏ ra ít tiền cho “cò lao động”, thậm chí tự vượt biên trái phép qua biên giới là có thể thỏa mãn mục đích của mình. Đó là lý do khiến dòng người Việt Nam đổ sang Trung Quốc - nơi thị trường lao động đang rất “nóng” - để làm thuê ngày một gia tăng.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, số người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê ở Hà Giang mỗi năm một tăng cao, trong đó chủ yếu là lao động người dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới. Năm 2012, các huyện biên giới Hà Giang có 11.652 lượt người/11.898 lượt người toàn tỉnh sang Trung Quốc lao động “chui”. Năm 2013 có 17.263/17.568 lượt người. Năm 2014 là 19.743/20.313 lượt người và năm 2015 có 23.460/24.043 lượt người. Trong đó, 94% số lao động Hà Giang sang Trung Quốc làm thuê là đi theo đường mòn biên giới, không đăng ký xuất nhập cảnh theo quy định. Công việc chủ yếu của các lao động này là trồng và chặt mía, bốc vác hàng hóa, làm thuê tại các trang trại, khai thác mỏ, xây dựng… 

Chỉ tính riêng tại huyện Vị Xuyên, theo thống kê sơ bộ của các cơ quan hữu quan, có khoảng 1.000 người lao động trong tổng số hàng chục nghìn người trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang thường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trước diễn biến “nóng” này, các ban, ngành chức năng huyện Vị Xuyên đã tìm nhiều cách “hạ nhiệt” bằng những buổi gặp mặt các lao động “chui” để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ kết hợp tuyên truyền, cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra để người lao động phòng tránh.

Những hệ lụy đau lòng

Tình trạng lao động trái phép sang Trung Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Nguồn lao động ở địa phương khá dồi dào, nhưng phần lớn vẫn là lao động phổ thông nên khi sang Trung Quốc chỉ đáp ứng được những công việc như: Phụ xây, làm gạch, phát nương làm rẫy, thu hái nông sản...

Tuy ngày công được cho là cao hơn so với thu nhập ở quê nhà, nhưng nhiều người sang đây bị bóc lột sức lao động, làm việc vất vả trong điều kiện không đảm bảo an toàn, bị chủ lao động lừa hoặc không trả tiền công. Đặc biệt, do không có giấy tờ hợp pháp nên nhiều lao động bị các lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền và trục xuất. Thực trạng này gây ra nhiều hệ lụy đau lòng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh tại địa phương.

Nguy hiểm hơn, có những trường hợp các đối tượng chuyên “cò mồi” đã lừa gạt cả trẻ vị thành niên trên địa bàn vượt biên giới sang Trung Quốc kiếm tiền mà vụ việc xảy ra tại xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê vào đầu tháng 3/2016 là một ví dụ điển hình. Trong vụ việc này, 9 em nhỏ có độ tuổi từ 13-15, đều là người dân tộc Mông đã bị đối tượng đến tận nhà dụ dỗ, lừa bịp đưa sang Trung Quốc với lời hứa sẽ trả tiền công 100 nhân dân tệ cho một ngày làm việc.

Ra đi để tìm miền đất hứa, đánh bạc với cuộc đời, nhiều lao động mạo hiểm vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê; không giấy tờ, không có sự bảo hộ, nhiều người đã phải chịu những hậu quả đáng tiếc, thậm chí mất cả tính mạng.

Anh Hà Sĩ Thịnh (ở Mèo Vạc, Hà Giang), một người may mắn được thả về sau khi gia đình bỏ 20 triệu đồng ra chuộc đã kể rằng, lúc anh bị bắt, có người đã gọi điện cho gia đình anh dọa nếu không chuộc người thì sẽ bị mổ ra lấy nội tạng hoặc sẽ bị đưa đi lao động dưới hầm mỏ… Nhiều gia đình không có tiền chuộc người thì đành nhắm mắt phó mặc cho số phận của người thân.

Cũng ở xã Khau Vai, một người đàn ông lao động “chui” đã lưu lạc 5.800 cây số, sau hai năm mới trở về nước, đó là anh Vừ Gìa Pó. Tháng 12/2013, báo điện tử Dawn.com của Pakistan đưa tin một người đàn ông đã bị cảnh sát Pakistan bắt giữ do nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ nước này. Hơn 10 ngày sau, người đàn ông trên bắt đầu nói chuyện nhưng bằng một thứ tiếng kỳ lạ khiến cảnh sát ở đây không thể hiểu được.

Với mong muốn giúp người này tìm được gia đình, Đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình. Nhân vật bí ẩn được xác định là Vừ Già Pó - một người dân tộc H’Mông ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang của Việt Nam. Trong video, Vừ Già Pó cho biết: Cách đây 2 năm, anh đã rời khỏi địa phương để sang Trung Quốc làm thuê. Sau đó đi lạc sang Pakistan. Sau 2 năm trở về nước, tất cả mọi thứ với Pó đều đã khác trước, ruộng đất của gia đình đều đã bán hết để lấy tiền “chuộc” anh nhưng rồi bị lừa, “tiền mất tật mang”.

Tại xã Tụ Nhân, Hoàng Su Phì, năm 2014 đã có 2 trường hợp tử vong khi đi lao động “chui” ở Trung Quốc. Con trai út ông Lù Vừn Hao (ở thôn Nắm Ản, xã Tụ Nhân) bị tai nạn dẫn đến tử vong trong khi đang đi làm thuê ở Trung Quốc vào tháng 5/2014. Sau đó, người con dâu cũng bỏ nhà sang Trung Quốc làm thuê, rồi lấy chồng ở luôn bên đó, để lại 2 đứa con thơ cho ông bà chăm sóc. Kinh tế gia đình đã khó, nay lại càng khó khăn hơn... Vì miếng cơm, manh áo, người lao động ở biên giới Hà Giang vẫn tiếp tục sang Trung Quốc lao động “chui” và các hệ lụy vẫn còn tiếp diễn. 

Đọc thêm