Hà Nội: 'Bộ quy tắc ứng xử' có giống câu chuyện 'tư duy ngực lép'?

(PLO) - Hà Nội vừa trình làng “Bộ quy tắc ứng xử” với khuyến cáo công chức không xăm hình, mặc váy ngắn. Liệu chuyện này có giống câu chuyện “tư duy ngực lép”?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chuyện Hà Nội có lúc mang tiếng xấu với cả nước là có thực. Từ chuyện quy hoạch, xây dựng chung cư, nhà cao tầng đã làm cho Hà Nội ngày càng kẹt cứng. Một số công dân vi phạm luật giao thông: lấn làn, không đội mũ bảo hiểm.

Không phải tự nhiên, vừa qua Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhận định, một vấn đề rất buồn trong năm vừa qua là tình hình ứng xử của một số cán bộ công chức trong cơ quan hành chính của Hà Nội rất kém. Theo ông, việc này khiến đội ngũ cán bộ, người Hà Nội bị mang tiếng. “Các địa phương người ta bảo “đấy, các ông người Hà Nội, các ông thanh lịch văn minh thế không bằng dân chúng tôi”. Mà mình bao năm xây dựng nếp sống thanh lịch văn minh rồi”, lời Bí thư Hải.

Ông Hải chia sẻ: “Nếu mỗi người chúng ta không thấy đau, không thấy nỗi xấu hổ của thành phố thì không bao giờ khắc phục được”. Trước thực tế đó, ông Hải đề nghị chính quyền các cấp hết sức quan tâm, chấn chỉnh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2017.

Có lẽ vì thế, “Bộ quy tắc ứng xử” sẽ ra đời, dự kiến được ban hành tháng 1/2017. Việc xây dựng Bộ quy tắc nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi làm việc, công cộng trên địa bàn Hà Nội, hướng đến một thành phố thanh lịch, văn minh và hội nhập quốc tế...

Nói chung là các nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội và nhân dân hoan nghênh. 

Tuy nhiên có mấy nỗi lo đi kèm. Thứ nhất, sợ máy móc, rập khuôn theo kiểu “đồng phục học sinh”. Nhiều người nghiên cứu về văn hóa Hà Nội cho rằng những quy định này nếu áp dụng được trên toàn thành phố nên nhẹ nhàng, không nên rập khuôn, cứng nhắc thì sẽ rất tốt. Theo họ, cần áp dụng một cách mềm dẻo, tùy từng điều kiện, trường hợp, môi trường. 

Thứ hai, sợ “đánh trống bỏ dùi”, “căn bệnh” nói chung chứ không riêng Hà Nội. Thứ ba, văn hóa với tư cách là một thành tố của kiến trúc thượng tầng, không dễ có “một sớm một chiều”. Những quy định về ứng xử trong xã hội nói chung và “Bộ quy tắc ứng xử” của công chức Hà Nội thuộc về văn hóa. Do là một vấn đề nằm ở nhận thức, ý thức và cả kiến thức nữa nên thực hiện phải rất kiên trì, bền bỉ.  

“Bộ quy tắc ứng xử” của công chức Hà Nội có thể coi là vấn đề cốt lõi, nếu làm tốt có thể thay đổi được nhiều điều ở Thủ đô.

Không thể để Hà Nội “nhếch nhác” về văn hóa, đặc biệt là văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đọc thêm