Hà Nội: “Công nghệ mới đê bê tông hoàn toàn đủ khả năng chịu được áp lực”

(PLO) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội không đề nghị hạ cốt đê mà chỉ thay kết cấu đê đất thành đê bê tông. Đê bê tông hoàn toàn đủ khả năng chịu lực và đã được sự đồng thuận cao của dân cư khu vực.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị Bộ NN&PTNT làm việc với TP Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị Bộ NN&PTNT làm việc với TP Hà Nội

Sáng nay 16/2, UBND thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm là xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội không kiến nghị Bộ NN&PTNT hạ cốt đê sông Hồng mà kiến nghị thay đổi kết cấu đoạn đê từ trước cửa khách sạn Thắng Lợi đến An Dương từ đê đắp bằng đất chuyển thành đê bê tông. 

"Hà Nội không kiến nghị Bộ NN&PTNT hạ cốt đê sông Hồng mà kiến nghị thay đổi kết cấu đoạn đê từ trước cửa khách sạn Thắng Lợi đến An Dương từ đê đắp bằng đất chuyển thành đê bê tông".- Ông Chung nói. 

Nói đến khả năng con đê có chống chịu lũ được hay không, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên hệ thống sông Đà đã có một số nhà máy thủy điện như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, còn trên sông Lô có thủy điện Na Hang, trên sông Hồng thì phía Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà máy thủy điện. Hơn nữa, ở phía ngoài đê, người dân đã làm nhà nên mặt đê bê tông không chịu áp lực trực tiếp của nước. Đặc biệt, với công nghệ mới hiện nay thì làm đê bê tông nên hoàn toàn có thể chịu được áp lực.

Ông Chung cho biết thêm: Nếu làm như vậy, kiến trúc cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên sẽ đẹp và cân. Thứ hai là khi chuyển từ đê đất sang đê bê tông, hoàn toàn mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m. Thứ ba, việc thay đổi kết cấu đê từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương đã xin ý kiến dân cư và được đồng tình cao. 

Đê Nghi Tàm Hà Nội. Ảnh: Xuân Hồng.
Đê Nghi Tàm Hà Nội. Ảnh: Xuân Hồng.

Ngày 24/1, UBND Hà Nội đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phương án thay đổi kết cấu cao trình mặt đê tại đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, với cao độ dương 12,4 m, như phương án đã đề xuất trước đó.

Theo UBND Hà Nội, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận.

UBND Hà Nội cho rằng thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu...), các đập thủy điện này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn Hà Nội.

Đề xuất của Hà Nội gây ra nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến ủng hộ nhưng đa số cho rằng đề sông Hồng rất trọng yếu trong công tác chống lũ nên phải cẩn trọng.

Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý với đề xuất thay đổi kết cấu đê đất sang đê bê tông nhưng yêu cầu Hà Nội phải lên phương án, thiết kế chi tiết.

Đọc thêm