Hà Nội kiến nghị được rút ngắn thủ tục giải phóng mặt bằng như TP Hồ Chí Minh

(PLVN) - Hà Nội kiến nghị Trung ương xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của TP là 35%; được áp dụng cơ chế đặc thù trong rút ngắn thủ tục giải phóng mặt bằng như TP HCM.

Ngày 8/4, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND TP về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ và cho ý kiến về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm tiếp theo. 

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị lập Tổ công tác để đẩy mạnh giải ngân.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị lập Tổ công tác để đẩy mạnh giải ngân.

Chủ động xử lý các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, kế hoạch đầu tư công của TP giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng công phu và có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với đặc thù của TP. Qua đó, bức tranh cân đối vốn của Hà Nội khá tích cực, có tính đến khả năng giảm thu ngân sách của năm 2020, thể hiện nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành TP.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP thành lập Tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tổ công tác cần thường xuyên giao ban, phối hợp, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, thống kê từng vướng mắc gắn với trách nhiệm cá nhân và thời hạn hoàn thành đối với các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập đơn giá, thiết kế, thi công, thẩm định công trình…

Lưu ý tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội còn thấp so với yêu cầu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, để khắc phục khó khăn, thời gian tới, TP cần rà soát những cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giải ngân vốn; rà soát bộ máy, cơ chế làm việc của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. 

Bí thư Thành ủy đề nghị, cùng với việc tập trung nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của TP chính là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để cùng với lĩnh vực nông nghiệp, các loại hình kinh doanh trực tuyến, các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hà Nội có thế mạnh... duy trì, phát triển sản xuất, từ đó hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá cao quyết tâm không cắt giảm vốn đầu tư công của UBND TP, đồng thời đề nghị với những dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chính phủ thì UBND TP cần tích cực kiến nghị, đề xuất Trung ương xem xét, giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

Với những dự án thuộc thẩm quyền của TP, cần xem xét điều chỉnh vốn theo quy định, chủ động xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã được đặt ra trong năm 2020. 

Quyết giữ  kế hoạch đầu tư công năm 2020

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP về bảo đảm nguồn cho đầu tư công năm 2020, cho biết, sau khi tính toán, dự phòng việc hụt thu ngân sách vì ảnh hưởng của Covid-19 nhưng UBND TP không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Cụ thể, bao gồm 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỷ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỷ đồng vốn kết dư ngân sách của năm 2019 đã được giao cho đầu tư công năm 2020 (tổng nguồn vốn là 37.000 tỷ đồng).

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định Hà Nội không điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định Hà Nội không điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh TP sẽ không điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công mặc dù thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng. 

Lý do cân đối được nguồn thu là TP sẽ điều tiết vốn từ dự án không hấp thụ hết, chậm tiến độ (khoảng 2.000 tỷ đồng) để chuyển sang dự án hiệu quả hơn; ngân sách sẽ được dự phòng bổ sung từ nguồn kết dư và tăng thu năm 2019, nguồn cải cách tiền lương và dự trữ của TP.

Hà Nội kiến nghị Trung ương xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của TP là 35%; được áp dụng cơ chế đặc thù trong rút ngắn thủ tục giải phóng mặt bằng như TP HCM; cho phép Hà Nội được chỉ định thầu đối với các công trình trong tình huống cấp bách hiện nay và cho phép Hà Nội giải ngân theo tiến độ đối với các dự án ODA nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư công. 

Đọc thêm