Hà Nội sẽ triển khai đầu tư thêm hai tuyến đường sắt đô thị số 3 và 5

(PLVN) - Ngày 22/4, tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI, Thành ủy Hà Nội đã thông qua chủ trương triển khai đầu tư hai tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (giai đoạn 2 từ Ga Hà Nội tới Hoàng Mai) dự kiến có mức đầu tư vào khoảng hơn 40.000 tỷ đồng. Ảnh: ANTĐ
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (giai đoạn 2 từ Ga Hà Nội tới Hoàng Mai) dự kiến có mức đầu tư vào khoảng hơn 40.000 tỷ đồng. Ảnh: ANTĐ

Theo đó, trong Tờ trình tại Hội nghị, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ tính khả thi về khả năng cân đối vốn từ các nguồn, để triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đối với hai dự án tuyến đường sắt đô thị, theo quy chế làm việc của Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến thông qua chủ trương triển khai của dự án đầu tư để Ban cán sự Đảng TP triển khai các nước tiếp theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật có liên quan. 

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, cho ý kiến về sự cần thiết, sự phù hợp của các dự án với Quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Chiến lược phát triển đường sắt đô thị của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; căn cứ pháp lý, thẩm quyền quyết định, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình phê duyệt, triển khai dự án.

Các đại biểu tham dự hội nghị cùng chung nhận định việc đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị sẽ giảm thiểu một cách đáng kể ùn tắc giao thông, giảm được ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tai nạn giao thông; đồng thời tác động tới việc thúc đẩy phát triển đô thị ngoài trung tâm, góp phần cơ cấu, sắp xếp, phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững.

Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ TP thảo luận và nhất trí với Tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND TP, đã thống nhất, giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ để triển khai theo quy định. Trong quá trình triển khai, cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo lộ trình đã đề ra

Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 3 từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm TP. Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại vành đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.

Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786km, trong đó chiều dài đi ngầm là 8,13km. Toàn tuyến có 7 ga ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40.577 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA và vay ưu đãi khoảng 34.297 tỷ đồng; vốn đối ứng trong nước khoảng 6.280 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án). Dự kiến dự án được khởi công từ năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.

Dự án tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội "Tuyến số 5 Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc" có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,43km (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm). Dự án phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.

Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang được xây dựng), tuyến số 4, số 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7, số 8 (quy hoạch), cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm TP nhằm giảm mật độ đông đúc của giao thông đô thị, cải thiện kết cấu giao thông và điều kiện đi lại của nhân dân.

Đọc thêm