Hà Nội: Thí sinh "chọi" tỷ lệ khủng khi thi vào cấp 3

(PLO) - Hôm qua (11/6), hơn 80 ngàn thí sinh ở Hà Nội đã kết thúc kì thi vào lớp 10 công lập. Sau những tháng ngày ôn luyện miệt mài ngày đêm, các sĩ tử bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá thoải mái nhưng phụ huynh thì vẫn chưa hết hoang mang…
Tại điểm thi Trường THPT Trần Nhân Tông
Tại điểm thi Trường THPT Trần Nhân Tông
4 người “cổ vũ” 1 sĩ tử 
Có lẽ chưa có năm nào các thí sinh của năm Rồng vàng (Canh Thìn- 2000) thi vào lớp 10 lại tăng đột biến như năm nay. Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, tỷ lệ “chọi” năm nay cao hơn so với năm trước, bình quân gần 1/1,6. Trường THPT Chu Văn An có tỷ lệ “chọi” cao nhất: 1/5,38. 
Ba trường có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhiều nhất là THPT Kim Liên 1.535 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu 600; tiếp đó là THPT Yên Hòa với các số tương ứng 1.452/480; Lê Quý Đôn (Hà Đông) là 1.258/560…
Chính vì lẽ đó, để lượng sức mình, dù học khá nhưng nhiều em vẫn lựa chọn những trường có tỷ lệ “chọi” thấp để thi. Tại Trường THPT Trần Nhân Tông, nhiều em ban đầu định thi vào Việt Đức, Thăng Long nhưng sau đó lại quyết định thi ở đây bởi tỷ lệ “chọi” thấp, chỉ có 700 thí sinh thi mà chỉ tiêu của trường là trên 500.
Anh Hùng, một phụ huynh ở Công viên Yên Sở cho biết, con anh học khá tốt, Toán, Văn đều trên 8,0 nhưng gia đình vẫn quyết định thi vào trường này cho yên tâm, ở đâu cũng có lớp tốt. “Gia đình thì căng thẳng, lo lắng lắm nhưng cháu lại có vẻ không mấy lo lắng. Thôi, nốt hôm nay thi xong cho con đi chơi để giải toả tâm lý căng thẳng, chứ mẹ cháu ở nhà trước ngày thi cứ như  ngồi trên đống lửa” – anh Hùng lo lắng. 
Tương tự, chị Tâm, phụ huynh học sinh Lưu Ngọc Ánh cho biết, môn Văn tổng kết con chị được 9,1, môn Toán được 8,6 nên dự định thi vào Việt Đức nhưng do tình hình năm nay căng thẳng nên NV1 là trường Trần Nhân Tông, NV2 là trường Hai Bà Trưng, là hai trường năm ngoái lấy có điểm sát nhau, chỉ chênh chưa đến 1 điểm, còn nếu chọn Việt Đức thì chênh nhau 2 điểm. 
“Tôi chỉ mong con đỗ trường công lập chứ nếu học dân lập mà học phí 2-3 triệu/tháng thì gia đình cũng không đủ khả năng vì đều là cán bộ nhà nước” – chị Tâm nói.  Được biết, gia đình chị Tâm có hẳn 4 người xin nghỉ làm để đưa con cháu đi thi.  
Đề Văn hay
Tại điểm trường THPT Trần Phú cũng như nhiều điểm thi khác, thí sinh  kết thúc thời gian làm bài môn Văn đều hồ hởi. Theo đánh giá chung của các thí sinh năm nay, đề thi môn Văn khá sát với chương trình học, phù hợp với sức của các em. Riêng phần nghị luận xã hội được các em cho rằng khá mới và làm hơi lúng túng nhưng không quá khó, nhiều em cho rằng mình có thể đạt tới 8 điểm. Môn Toán buổi chiều cũng được thí sinh đánh giá vừa sức, chỉ có hai câu cuối 1 điểm dành cho thí sinh giỏi vào lớp chuyên, chọn là tương đối khó.
Đánh giá về đề thi môn Văn vào lớp 10 của TP.Hà Nội, cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên dạy Văn Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội khẳng định, đề thi năm nay rất khoa học, gợi mở, không đánh đố thí sinh và có thể chọn lọc được những học sinh có tư duy tốt. Bởi lẽ, đề thi này hỏi sâu dần, khó dần. 
Với những học trò học máy móc thì sẽ trả lời được phần đầu. Tiếp đến đoạn sau bắt đầu phân hóa được học sinh. Những đoạn mở rất cần thiết, bởi học sinh sẽ phải suy nghĩ, đưa ra những lập luận của mình. Đây là bước khởi đầu để các em tiến tới đề thi THPT quốc gia sẽ không còn bỡ ngỡ trong 3 năm tới… 
Có khoảng 80% các em vào công lập
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội,  năm nay số học sinh thi vào lớp 10 tăng hơn năm ngoái gần 10 nghìn thí sinh. Để giảm bớt khó khăn cho các trường cũng như để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu, nguyện vọng của thí sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho phép một số trường được tăng chỉ tiêu từ 5-10%. Dù tỷ lệ “chọi” có căng hơn nhưng đảm bảo 65% học sinh được vào các trường THPT công lập. 

Đọc thêm