Hai bên đấu vòi rồng, TQ đưa tàu hộ vệ tên lửa đến vùng có giàn khoan trái phép

(PLO) - Chiều qua, trả lời với phóng viên báo chí, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam Hà Lê cho biết, diễn biến trên vùng biển Việt Nam mà Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vẫn căng thẳng. Trong ngày 12/5, Trung Quốc luôn duy trì  khoảng 78 - 82 tàu quanh vùng biển có giàn khoan. 
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: Internet
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: Internet
Các tàu phía Trung Quốc thường xuyên chia tốp kèm tàu của ta, sử dụng các biện pháp mạnh như đâm va, dùng vòi rồng công suất lớn bắn nước vào tàu của Việt Nam.
Khi bị tàu Trung Quốc dồn ép và áp chế, tàu kiểm ngư của Việt Nam buộc phải đáp trả bằng vòi rồng. Theo thông tin từ phóng viên báo chí Việt Nam có mặt tại vùng biển này, tàu Việt Nam sau khi bị tấn công đã có những đáp trả đối với các tàu Trung Quốc. Tàu Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các quyền chấp pháp đối với các tàu Trung Quốc, sau đó mới diễn ra cuộc đấu vòi rồng và súng bắn nước trong thời gian hơn một giờ.
Sáng 12/5, Kiểm ngư Việt Nam đấu vòi rồng với tàu Trung Quốc
Cuộc đấu vòi rồng đã diễn ra trong khoảng một giờ, bắt đầu từ khoảng 7h30 sáng, khi tàu kiểm ngư Việt Nam treo băng rôn bằng tiếng Trung Quốc yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Khi phát hiện tàu kiểm ngư Việt Nam cách giàn khoan khá gần, phía Trung Quốc bắt đầu cuộc tấn công, điều 15 tàu hải giám và hải cảnh, các tàu cá bán vũ trang bao vây tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Các tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc tập trung lao thẳng vào tàu kiểm ngư của Việt Nam. Một tàu hải cảnh của Trung Quốc bám theo thăm dò tàu kiểm ngư của ta chừng một phút sau đó bất ngờ dùng súng bắn nước tấn công. Một cách đột ngột, các tàu hải giám và hải cảnh tiến lên phía trước rồi lùi lại phía sau mũi tàu Việt Nam với mục đích dựng chuyện rằng tàu Việt Nam tấn công các tàu Trung Quốc.
Sau hành động này, bất ngờ 5 tàu hải giám và hải cảnh tiến về hai bên hông, áp sát  mạn tàu kiểm ngư để xịt vòi rồng lên tàu nhằm vào các vị trí: ống khói, ca bin, hệ thống anten… nhằm cắt đứt nguồn thông tin từ tàu với áp lực xịt vòi rồng rất dữ dội.
Tuy nhiên, các phương án bảo vệ thuyền viên trên tàu đã được triển khai nên mọi người đều được bảo vệ an toàn.
Trong những ngày qua, hai lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển được xem là đội tiên phong trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, túc trực 24/24h trong khu vực mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép. Với tinh thần quả cảm, các anh luôn sẵn sàng xả thân vì chủ quyền của Tổ quốc…
Ông Vương Mạnh Hòa, đại diện Chi đội Kiểm ngư 3 (Chi cục Kiểm ngư vùng 2, đóng tại Đà Nẵng) cho biết, hiện tình hình ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vẫn diễn biến hết sức phức tạp. 
Các tàu bị hỏng đã sửa chữa sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Chiều 12/5, trao đổi với PV, ông Đoàn Thanh Lâm, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm ngư vùng 2 Đà Nẵng thông báo: Đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 80 tàu bảo vệ giàn khoan HD-981, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu tấn công nhanh và máy bay. Hành động ngang ngược nhất của phía Trung Quốc diễn ra ngay trong ngày 12/5 là tìm mọi cách ngăn cản các tàu của chúng ta tiếp tế lương thực, thuốc men cho các tàu đang làm nhiệm vụ. 
“Nhưng dù tàu của chúng tôi liên tục bị tàu Trung Quốc húc hoặc dùng vòi rồng tấn công nhưng Kiểm ngư Chi đội 3 đã kiên cường góp phần cùng với các lực lượng khác, đặc biệt phối hợp cùng Cảnh sát Biển Việt Nam, ngăn chặn hành vi sai trái của Trung Quốc. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ đến cùng chủ quyền biển đảo của Việt Nam”- ông Lâm quả quyết.
Tương tự, có mặt tại cầu cảng của Công ty Sông Thu trong chiều 12/5, Đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Vùng Cảnh sát Biển 2 cho biết, hai tàu Cảnh sát Biển 2012 và 4033 của Việt Nam bị hư hại do tàu Trung Quốc đâm khi ngăn cản Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 đã được sửa chữa xong. Hai tàu này đã sẵn sàng lên đường ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Hiện tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Biển rất tốt, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi giá.  
Niềm tin là sức mạnh!
Đáng nói, những ngày qua, Chi cục Kiểm ngư cũng như khu vực cầu cảng Công ty Sông Thu (nơi 2 tàu cảnh sát biển neo đậu sửa chữa) liên tục đón các tổ chức, cá nhân và đồng bào cả nước tìm đến, trao tặng quà cũng như dành mọi lời động viên chân thành nhất gửi đến những người làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Đại tá Trần Văn Dũng xúc động: “Với tình cảm mà cả nước đang dành cho lực lượng Cảnh sát Biển chúng tôi nói riêng và các lực lượng khác đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong những ngày qua… như tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình”. 
Còn ông Vương Mạnh Hòa cho rằng: Khi đơn vị làm nhiệm vụ ở tiền tiêu thì sau lưng chúng tôi luôn có sự “tiếp lửa” của hơn 90 triệu dân Việt Nam và hàng triệu kiều bào ở nước ngoài. Sự đóng góp, hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn vật chất của nhân dân cả nước nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã tạo cho chúng tôi sự động viên rất lớn. Điều đó đã khiến anh em chúng tôi càng vững tin hơn khi làm nhiệm vụ trên thực địa. Kể cả hậu phương của các anh em đang làm nhiệm vụ trên biển cũng cảm thấy yên tâm và động viên người thân của mình tiếp tục bám biển, bám tàu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà Tổ quốc giao phó. Chúng tôi hứa với nhân dân cả nước, với sự động viên đó, chúng tôi sẽ quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia trên biển. 
Khi PV đặt câu hỏi anh em trong lực lượng kiểm ngư cần nhất những gì trong lúc này, ông Đoàn Thanh Lâm chỉ nói ngắn gọn: “Đó là niềm tin. Nhân dân cả nước hãy tin tưởng vào lực lượng kiểm ngư nói riêng cũng như các lực lượng khác đang làm nhiệm vụ sẽ bảo vệ đến cùng biển đảo của quê hương”.
Trung Quốc đưa tàu hộ vệ tên lửa và máy bay trực thăng đến vùng trời có giàn khoan
Vào lúc 09 giờ 00 phút, Tàu CSB 8003 của Cảnh sát Biển Việt Nam ở tọa độ cách giàn khoan khoảng 7,3 hải lý phát hiện tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc mang số hiệu 534 cách tàu 8003 khoảng 03 hải lý.
Vào lúc 09 giờ 21 phút, tàu hải cảnh mang số hiệu 3411 ở phía sau lái và một tàu hải cảnh mang số hiệu 3210 ở phía trước mũi tàu CSB 8003 của Cảnh sát Biển Việt Nam; 02 tàu nói trên của Trung Quốc cách tàu CSB 8003 khoảng 300 đến 500 mét. Cũng trong thời điểm này, máy bay trực thăng B.7112 của Trung Quốc bay 02 vòng phía trên Tàu CSB 8003 và Trường Sa 22 của Việt Nam với độ cao 250 đến 300 mét. Tàu 3411 và một tàu khác của Trung Quốc liên tục bám sát Tàu CSB 8003 và 2013 ở khoảng cách khoảng 500 mét.

Đọc thêm