Hải chiến Trường Sa trong ký ức cựu binh Gạc Ma

(PLO) - Là một trong hơn 10 cựu chiến binh trở về sau trận hải chiến Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) năm 1988, ông Lê Hữu Thảo chưa bao giờ quên những ký ức bi hùng của 26 năm về trước. Sau những năm tháng phải đi ở trọ, giờ đây người cựu binh đã có một căn nhà nhỏ để “an cư lạc nghiệp”, những kí ức ngày nào cứ hiện về trong ông…. 
Đại diện của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đến thăm, tặng quà cho cựu binh Lê Hữu Thảo.
Đại diện của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đến thăm, tặng quà cho cựu binh Lê Hữu Thảo.
Kí ức Gạc Ma
Cựu binh Lê Hữu Thảo (50 tuổi, trú phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) là Tiểu đội trưởng của một trong hai trung đội chiến đấu mà Lữ đoàn 146 gấp rút thành lập trước khi tàu HQ-604 được lệnh rời Cam Ranh ra bảo vệ Gạc Ma đầu tháng 3/1988. 
Trong trận hải chiến lịch sử ngày 14/3/1988, ông Thảo cùng Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc... được giao xuống bãi đá ngầm san hô, cảnh giới và bảo vệ cho lực lượng công binh dựng cờ. Trong tay chỉ có hai khẩu AK, nhưng họ phải mặt đối mặt với hơn 50 lính Trung Quốc trang bị súng và tàu chiến.  
Cựu binh Thảo đã đứng ở Gạc Ma khi đại bác, đại liên, tiểu liên... của quân xâm lược bắn liên tiếp vào ông và các đồng đội của mình. Ngay sau khi im tiếng súng, ông một mình bơi ra cứu Hoàng Bùi Hải - nay là Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Thanh Hóa. 
Tiếp đó, ông cùng những người sống sót khác cứu sống Nguyễn Văn Lanh - người về sau được phong anh hùng.
Cựu binh Thảo kể lại sự việc trong buổi sáng ngày ấy: “Sáng sớm ngày 14/3, tôi được chỉ huy giao nhiệm vụ mang theo hai khẩu AK47, cùng vài đồng đội đi cắm cờ và bảo vệ cờ. Khi mọi người đang làm nhiệm vụ thì bốn tàu khu trục của Trung Quốc ập đến, với khoảng 50 người được trang bị vũ khí, đổ bộ xuống bao vây lấy chúng tôi. 
Hai bên đánh giáp lá cà, chúng tôi đã đánh bật chúng, bảo vệ thành công lá cờ Tổ quốc. Bất ngờ chúng quay lại nổ súng vào chúng tôi. Anh Trần Văn Phương bị trúng đạn, những chiến sĩ công binh anh dũng xông lên bảo vệ và giương cao lá cờ, nhiều người lần lượt ngã xuống. Đối phương nã pháo liên tiếp vào Gạc Ma và tàu HQ-604. Trong cuộc chiến không cân sức này, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh…”.
Cựu binh Lê Hữu Thảo và đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Cựu binh Lê Hữu Thảo và đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. 
Sau sự kiện Gạc Ma, ông Thảo trở thành tâm điểm của báo chí, được ghi danh vào bảng vàng của Hải quân Việt Nam.
Cựu binh thoát cảnh “đi ở trọ”
Sau khi trở về quê hương ông sang Đức lao động. Về nước, ông vật lộn nhiều nghề để kiếm sống, kết duyên với một cô gái người Bắc và có một cậu con trai đã 15 tuổi. Tuy nhiên, hạnh phúc không trọn vẹn, cả hai người chia tay. Từ đấy ông nay đây mai đó, vật lộn đủ nghề và thuê phòng trọ để sinh sống. 
Vào năm 2014, hạnh phúc một lần nữa mỉm cười với ông khi kết hôn với chị Nguyễn Thị Hải (26 tuổi, trú Hà Tĩnh), tuy nhiên cuộc sống 2 vợ chồng cũng bấp bênh, nhà không có, gia đình ông phải đi ở trọ. 
Vào sáng 5/2, Chương trình "Nhịp cầu Hoàng Sa" phối hợp với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao nhà mới cho cựu binh Lê Hữu Thảo. Căn nhà 4 gian (bao gồm cả phòng bếp) rộng 110 m2, nằm ở phường Thạch Linh (Thành phố Hà Tĩnh) do Chương trình "Nhịp cầu Hoàng Sa" cùng một số cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm xây tặng là ngôi nhà lớn đầu tiên mà ông Thảo cùng người vợ trẻ sở hữu. 
Đại diện Chương trình "Nhịp cầu Hoàng Sa", ông Đỗ Thái Bình (kỹ sư đóng tàu) cho biết, mục đích của chương trình là tri ân những người đã có công với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. 
“Những người lính đã hi sinh trong trận hải chiến và cả những người sống sót trở về đều đáng phải được biểu dương và trân trọng”, ông Bình nói.
Xúc động trước tấm lòng của mọi người dành cho mình, cựu binh Lê Hữu Thảo tâm sự, ông thật sự vui sướng, qua nhiều năm đi ở trọ, giờ đây ông đã có căn nhà che mưa, che nắng để chăm sóc cho gia đình nhỏ. 
“Tôi rất nhớ thương các đồng đội của tôi, những người đã nằm lại nơi biển khơi, và cả những người đã may mắn sống sót trở về nay vẫn còn sống trong gian khó. Với tôi, giờ nếu Tổ quốc cần tôi vẫn sàng sàng tiếp tục ra trận chiến đấu…”, ông Thảo nói.
Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội - Dương Trung Quốc cũng đến tham dự buổi lễ bàn giao nhà và bày tỏ: “Truyền thống của người Việt là “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Việc làm này thể hiện đạo lý và tình cảm trân trọng đối với những con người đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo. Nó thúc đẩy lòng tự hào, ý thức của mọi người trong việc góp sức xây dựng đất nước vững mạnh”./.

Đọc thêm