Hải Phòng “rộng cửa” cho các hãng hàng không mở đường bay

(PLO) -  Tại hội nghị “Xúc tiến các tuyến hàng không đến TP Hải Phòng”, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng công bố, Hải Phòng đầu tư 3.600 tỷ đồng để đầu tư để cải tạo, nâng cấp Cảng HKQT Cát Bi...
Hải Phòng “rộng cửa” cho các hãng hàng không mở đường bay

Hội nghị do UBND TP Hải Phòng phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức ngày 21/4, thu hút sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các địa phương, đại sứ quán, doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng, hãng hàng không trong nước và quốc tế, hãng lữ hành…

Khẳng định vai trò của Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng Giám đốc Tổng cty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết, đây là một trong những Cảng hàng không có vai trò quan trọng, cầu nối giữa các TP lớn trong nước và trong khu vực. Hiện, 3 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific Airlines khai thác 5 đường bay trong nước nối Hải Phòng với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh, Pleiku; 4 hệ thống đường HKQT đến Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Singapore, Maylaysia, Đông Bắc Á.

Những năm qua, sản lượng hành khách, hàng hóa, bưu kiện thông qua Cảng HKQT Cát Bi tăng rất nhanh. Trong giai đoạn từ 2020 đến 2015, sản lượng hành khách thông qua Cảng đạt mức tăng trưởng bình quân trên 30%/năm. Dự kiến, đến năm 2020, sản lượng thông qua CHKQT Cát Bi sẽ đạt 2,3 triệu khách và hơn 11 nghìn tấn hàng hóa tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015-2020 là 13% về hành khách và 12,3% về hàng hóa; đến năm 2030, lượng hành khách thông qua dự báo đạ trên 9 triệu lượt hành khách và 46 nghìn tấn hàng hóa.

Do đó, đa số các đại biểu tại hội nghị đều tán thành việc mở các đường mới đến Hải Phòng là vô cùng cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, du lịch của TP cũng như các tỉnh lân cận.

Trong tháng 5/2016, dự án Cảng HKQT Cát Bi hoàn thành với sân đỗ máy bay 10 vị trí, đường cất hạ cánh dài 3050m và hệ thống đường lăn cùng 01 sân đỗ máy bay với 4 vị trí đỗ tàu bay. Đài kiểm soát không lưu hiện đại và khu nhà ga hành khách đẳng cấp quốc tế cấp 4E (cấp cao theo Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO) cho phép bất kỳ máy bay dân dụng nào trên thế giới cất hạ cánh, có thể vận chuyển 1000 hành khách/giờ cao điểm, vận chuyển 20.000 tấn hàng hóa/năm. Khu nhà ga với kiến trúc mang nét đặc trưng của TP Hải Phòng với nội thất đẳng cấp sẽ thu hút từ 4 đến 8 triệu lượt khách/năm. 

Dự kiến, đối với đường bay nội địa, hãng hàng không Vietjet Air sẽ mở đường bay Cát Bi, Hải Phòng - Đà Lạt, Lâm Đồng; Hải Phòng - Cần Thơ vào tháng 6 năm 2016; Vietnam Airlines đang nghiên cứu,  phát triển đường bay Cát Bi, Hải Phòng - Phú Quốc, Kiên Giang; Hải Phòng - Cần Thơ. 

Đối với đường bay quốc tế: Hãng hàng không Jetstar Pacific đã có kế hoạch khai thác đường bay Cát Bi, Hải Phòng - TP Ôn Châu, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) và Cát Bi, Hải Phòng - TP Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) vào tháng 4/2016 dưới hình thức thuê chuyến. Dự kiến tháng 7/2016, đường bay Cát Bi, Hải Phòng - TP Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) sẽ khai thác thương mại với tần suất 3 chuyến/tuần.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch mở đường bay quốc tế mới từ Hải Phòng tới một số quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.

Đại diện Tổng cục du lịch Việt Nam khẳng định, việc nhiều đường bay nội địa và quốc tế mới được khai thác tại Cảng HKQT Cát Bi sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối các điểm đến trong nước và quốc tế cho du lịch Hải Phòng nói riêng và du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông bắc nói chung. 

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng hơn 150.000 người dân Hải Phòng và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình sinh sống, học tập và làm việc. Từ nhu cầu đi lại nêu trên với lợi thế so sánh về dịch vụ, nông nghiệp, vận tải hàng hóa, sản phẩm có thế mạnh của Hải Phòng và tỉnh Lâm Đồng cho thấy việc xúc tiến mở đường bay từ TP Đà Lạt đến Hải Phòng là vô cùng cần thiết.

Cảng HKQT Cát Bi sẽ đi vào hoạt động trong tháng 5/2016.

Cảng HKQT Cát Bi sẽ đi vào hoạt động trong tháng 5/2016.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư tỉnh Ủy Kiên Giang cũng khẳng định: “Tuyến bay thẳng từ Hải Phòng đến Kiên Giang, cụ thể là đến thẳng huyện đảo Phú Quốc chính là sự kết nối trực tiếp giữa TP Hoa Phượng Đỏ với đảo Ngọc của Kiên Giang. Qua đó sẽ gia tăng lượng khách du lịch từ phía Bắc đến với Kiên Giang”.

Đồng quan điểm với ông Yên và ông Nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, TP, cảng hàng không đều đánh giá cao việc mở các tuyến bay mới đến và đi tại Cảng HKQT Cát Bi, Hải Phòng do rút ngắn thời gian di chuyển và kinh phí cho du khách, giảm tải cho Cảng HKQT Nội Bài.

Kết thúc hội nghị, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh rằng để dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Cát Bi có được tiến độ như hiện tại là nhờ sự tập trung, quyết liệt của TP cùng sự hỗ trợ từ Trung ương. Theo đó, trong 3.600 tỷ Hải Phòng đầu tư để cải tạo, nâng cấp Cảng HKQT Cát Bi, Trung ương hỗ trợ 800 tỷ. 

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các TP và các hàng hàng không đã ký kết biên bản ghi nhớ về tăng cường khai thác các đường bay đi, đến tại CHKQT Cát Bi, TP Hải Phòng. Theo đó, UBND các tỉnh, TP có đường bay đến, đi tại Cảng HKQT Cát Bi sẽ có chính sách hỗ trợ các Hãng hàng không trong chuyến bay đầu tiên của đường bay mới, kinh phí mở văn phòng đại diện cho các hãng hàng không chưa có văn phòng tại Hải Phòng, kinh phí quảng cáo cho các hãng hàng không trên các phương tiện truyền thông của TP Hải Phòng; giảm giá điều hành bay.

Đọc thêm