Hành động để "không ai bị bỏ lại phía sau"

(PLO) - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm tại Diễn đàn Giảm nghèo với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau và hành động của Việt Nam” diễn ra sáng qua (15/10).
Hành động để "không ai bị bỏ lại phía sau"
Diễn đàn do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hoà Ailen (Irish Aid) tại Việt Nam  tổ chức nhân Ngày Quốc tế xoá bỏ đói nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10). Đây cũng là hành động để hưởng ứng Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đến năm 2030, trong đó cam kết xoá bỏ tình trạng đói nghèo dưới mọi hình thức, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ cam kết trước cộng đồng quốc tế bằng quyết tâm chính trị, giải pháp và nguồn lực, do đó, nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ đã hoàn thành sớm so với kế hoạch, đặc biệt là mục tiêu về giảm nghèo. 
Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,97% cuối năm 2014, góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản tốt hơn. 
Còn Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thông tin, Việt Nam hiện đang tích cực phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, tức tiếp cận đến an sinh xã hội; theo đó người dân sẽ được đảm bảo an sinh lương thực, đảm bảo không đói về lương thực vừa không nghèo về tiếp cận các dịch vụ xã hội. 
Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ hiện đã có nhiều chủ trương, đường lối và chính sách để đảm bảo đến năm 2020 mọi người đạt mức tối thiểu về thu nhập và đạt được mức tối thiểu trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. 
“Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này phải có sự đồng thuận, hiệp lực, hỗ trợ và phối hợp triển khai thực hiện của các cấp, các ngành và người dân cũng như sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và các nước” – ông Đàm nhận định. 
Về vấn đề vay ưu đãi, ông Võ Minh Hiệp – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam  thông tin, trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với Bộ LĐTB&XH để xác định đối tượng ưu đãi và cần phải được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. 
Đến nay, qua 13 năm hoạt động, tổng dư nợ về tín dụng ưu đãi trên 137.000 tỉ đồng. “Cho vay đối với hộ nghèo và các diện chính sách khác ở Việt Nam được thực hiện rất tốt, trước hết là do người nghèo ở Việt Nam có ý thức sử dụng vốn tốt”- ông Hiệp khẳng định.
Ngoài ra, từ ngày 5/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định về cho vay hộ thoát nghèo, theo đó hộ thoát nghèo cũng được quan tâm để họ có đủ sức khỏe để ra khỏi nghèo đói, hòa nhập cộng đồng. “Cho đến giờ, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, chúng tôi đã giải ngân chương trình thoát nghèo được gần 1.000 tỉ” – ông Hiệp thông tin.
Thừa nhận hiện chúng ta có sự chồng chéo trong các chương trình giảm nghèo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho hay, hiện Chính phủ đang chỉ đạo các bộ tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách liên quan đến giảm nghèo và an sinh xã hội để xem chính sách nào không còn phù hợp thì kết thúc và chính sách nào cần tiếp tục nhưng phải bổ sung, sửa đổi thì sẽ tiến hành ngay.

Đọc thêm