Hào khí không chỉ thể hiện trong các cuộc kháng chiến

(PLO) - “Hào khí” là khí phách hào hùng, là ý chí quyết chiến, quyết thắng, là bản lĩnh ngoan cường, chỉ tiến không lùi, không chịu đầu hàng, khuất phục trước bất cứ thế lực nào. Trong lịch sử Việt Nam, từng xuất hiện cụm từ Hào khí Đông A ở thế kỷ thứ XIII dưới thời nhà Trần gắn với 3 lần đại thắng quân Nguyên của dân tộc ta dưới sự chỉ huy tài tình của danh tướng Trần Hưng Đạo. Nhưng 4 tiếng trên không chỉ nói đến chiến công hiển hách cụ thể đó mà còn có ý ám chỉ cả những chiến tích lẫy lừng trước đó trong lịch sử như Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân Tống. 
Hào khí không chỉ thể hiện trong các cuộc kháng chiến

Ở thế kỷ XX, dân tộc ta có hai chiến công lẫy lừng, ghi mốc son chói lọi gắn với việc quét sạch hai đội quân xâm lược là thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ và đế quốc Mỹ với đại thắng mùa xuân dẫn đến giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975). Hàng năm, cứ đến những ngày này, chúng ta lại long trọng kỷ niệm để ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Nhưng kỷ niệm không phải chỉ để nhớ lại rồi chiêm ngưỡng quá khứ mà là để viết tiếp những trang sử vẻ vang. Việc sau mới quan trọng, cần thiết và thực sự bổ ích, cần tất cả mỗi chúng ta ý thức sâu sắc về sứ mạng lịch sử, về những việc cần phải làm để dân tộc nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiếp tục phát triển, làm cho đất nước phồn vinh, bền vững.

Hào khí không chỉ thể hiện trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng mà còn được bộc lộ trong cuộc sống hiện tại với việc tấn công vào các thế lực tiêu cực luôn cản trở bước tiến của xã hội, phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước. Ai càng ở những vị thế cao trong xã hội càng cần nhiều bản lĩnh để tự vượt lên chính mình. Khi ấy, phẩm chất tốt đẹp của những “công bộc” của dân mới được bộc lộ và khẳng định.

Thực tế cho thấy bước đầu, điều này đang được chứng minh. Lần đầu tiên, những vị lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính trị đã đích thân xử lý một vụ án nhỏ ở cấp phường. Nhỏ về vụ việc nhưng ý nghĩa không nhỏ bởi nó liên quan đến niềm tin của dân vào hệ thống thực thi pháp luật của Nhà nước, vào chế độ. Đó là việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra làm rõ vụ việc khởi tố hình sự chủ quán cà phê “Xin Chào” ở quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.

Đây là sự tấn công không khoan nhượng vào thói vô cảm, vô lối, lạm quyền, ức hiếp người dân, bất chấp pháp luật, cố tình hình sự hóa một sự việc chỉ cần xử lý hành chính. Các đồng chí lãnh đạo tầm vĩ mô đã thể hiện sự bất bình, phản ứng mạnh trước những thói hư, tật xấu trên của cán bộ sở tại. Điều này tạo được niềm tin lớn cho dân. Một sự việc thứ hai cũng đang rất “nóng” là hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung trong thời gian qua.

Ngay lập tức, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xem xét để tìm ra cách xử lý, khắc phục, mong đem lại sự yên tâm cho ngư dân. Tuy nhiên, dân mong việc này cần ngã ngũ nhanh hơn nữa, bởi chậm ngày nào, dân điêu đứng, hoang mang ngày nấy. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến tận nơi chỉ đạo việc này. Ông yêu cầu tìm cho bằng được nguyên nhân gây ra hiện trạng trong thời gian nhanh nhất và xử lý nghiêm người gây nên tác nhân, không loại trừ bất cứ ai. Dư luận rất tin và đồng tình với thái độ kiên quyết của ông.

Vẫn mãi còn đó sự kiện lịch sử vĩ đại, bất diệt của hào khí ngày trọng đại. Mong sao hào khí này không bao giờ vơi, nguội mà luôn được hun đúc, thổi bùng trong công cuộc đổi mới hiện tại để đất nước ta vượt qua mọi chông gai, thử thách, mãi mãi vươn xa.

Đọc thêm