Hát ở Trường Sa

(PLO) - Với cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa, không có món quà nào quí hơn, đẹp đẽ hơn là được nghe, được hát cùng với văn công từ đất liền ra thăm, như sợi dây nối Trường Sa với đất liền thêm gần gũi. Tiếng hát, lời ca của các anh chị văn công thực sự là món quà tinh thần, ý nghĩa sâu sắc, nhớ sâu, nhớ lâu nhất của chiến sĩ Trường Sa.
Chiến sĩ Trường Sa hát cùng đất liền
Chiến sĩ Trường Sa hát cùng đất liền
Tàu HQ 936 của Vùng 4 Hải quân hú 3 hồi còi dài rồi từ từ thả neo xuống biển. Kia rồi quần đảo Trường Sa – quần đảo bão tố sừng sững hiên ngang giữa ngàn trùng sóng nước. Các chiến sĩ đứng kín cầu cảng. Người reo hò, người vẫy tay, người dùng khăn mặt quay tròn trên đầu như ra hiệu: Cầu cảng an toàn, mời đoàn cập bến.
Từng chiếc xuồng nhỏ được cẩu xuống biển. Cả đoàn chúng tôi ai cũng muốn xuống trước để mong gặp người lính đảo đầu tiên. Các ca sĩ Mai Khôi, Thanh Thúy, Hồng Nhung say sóng là thế, vậy mà khi nghe tiếng í ới của mấy anh lính trên cầu cảng là bật dậy ngay và nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề để hát. Mấy chiến sĩ trẻ để cả quần dài lội ùm xuống nước bắt dây mồi, cầm tay các em văn công dẫn vào đảo.
Điểm đầu tiên đoàn chúng tôi đến là đảo Đá Lát - một đảo nhỏ đẹp nằm cạnh vùng xoáy của lòng thủy triều chảy ngược ở tọa độ X. Cùng đi với đoàn hôm ấy, ngoài Đoàn văn công Quân khu 7, các bạn sinh viên TP.HCM còn có ca sĩ Hải Yến (giải Nhất Tiếng hát Truyền hình TP.HCM năm 2005), ca sĩ Kỳ Phương Uyên (giải Nhất tiếng hát Truyền hình TP.HCM năm 2006), nghệ sĩ Mai Đình Tới. 
Tôi mới kịp bắt tay mấy chiến sĩ trẻ thì đã nghe ca sĩ Hải Yến “tác nghiệp”, hát cho hai chiến sĩ nghe dưới gốc cây bàng vuông “Em gửi cho anh món quà đất mẹ, từ thành phố mang tên Bác kính yêu”. “Yến ơi, quà đâu”?, một chiến sĩ nào đó kêu to. 
“Quà em gửi tặng anh là tiếng hát, lời ca, là tình yêu đất liền đối với lính Trường Sa. Em gửi anh cả trái tim em và tình yêu của nhân dân thành phố”. Yến ứng khẩu tự biên làm luôn một tràng. Người lính kia chẳng nói nên lời, chỉ có đôi mắt nhìn sâu thăm thẳm như nuốt từng lời hát ngọt ngào của cô ca sĩ. Họ say sưa quá, quên cả thời gian. 
Sân khấu là những chiếc chiếu cói thấm đẫm mồ hôi lột từ giường nằm của lính. Quà của lính đảo chiêu đãi văn công là dứa hộp đục ra bày trên chiếu, mấy chiến sĩ trẻ đã ngồi chờ sẵn. “Sao anh lại ngồi thưa thế”? “Không phải thưa đâu, mà ngồi như thế để chừa chỗ cho các em văn công, xen kẽ một nam, một nữ”. 
Ca sĩ Mai Khôi hát ở đảo Sơn Ca
Ca sĩ Mai Khôi hát ở đảo Sơn Ca
Chẳng ai bắt nhịp, không lời giới thiệu, không có ánh đèn sân khấu, chúng tôi cứ ào lên mà hát, hát say sưa. Khác hẳn biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp, hát cho bộ đội nghe, các ca sĩ ăn mặc rất giản dị. 
Ca sĩ Kỳ Phương Uyên nói: “Ở đất liền em là ca sĩ, ở đảo em là người lính - một người lính xung kích trên mặt trận văn nghệ hát cho lính đảo xa nghe. Món quà em gửi tặng các anh không có gì quí hơn là tiếng hát, lời ca. Trong ấy có bao lời nhắn gửi, có tình yêu thương của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh,  em tin các anh sẽ đón nhận”. Cô khóc. Những ca từ “Ở hai đầu nỗi nhớ, ta mơ về bên nhau” không còn tròn trĩnh bởi tiếng nấc nghẹn ngào xúc động. Những chiến sĩ trẻ thì bùi ngùi, còn các bạn sinh viên mắt đỏ hoe. 
Không khí xúc động lắng xuống bằng một chùm hoa muống biển của một chiến sĩ trẻ: “Các anh, các chị gửi tặng tôi tiếng hát, lời ca. Tôi xin tặng lại hoa muống biển Trường Sa - một loài hoa thủy chung của người lính biển”. Sao lại gọi là hoa thủy chung? “Vì mỗi lần nhớ người yêu, nhớ đất liền, chúng tôi thường ngắm hoa cho đỡ nhớ. Hoa muống biển có sức sống dẻo dai. Lính đảo thường ép trong nhật ký hoặc gửi cho người yêu mỗi lần có tàu về. Nó cũng được tặng cho văn công như bây giờ. Nó là tình cảm, tình yêu của chúng tôi. Ý nghĩa là thế” - chiến sĩ Nguyễn Hải Anh giải thích. Mọi người vỗ tay rầm rập và tiếp tục hát, múa hòa nhập vào nhau, với tất cả tình đời, tình người, tình yêu của những người ở hai đầu nỗi nhớ…

Đọc thêm