Hậu Giang cần khoảng 800 tỷ đồng chống sạt lở

(PLO) - Đó là nhận định của Đoàn T.Ư do Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm làm Trưởng đoàn, khi đi thị sát tình hình sạt lở tại xã Tân Phú Thạnh và ven sông Ba Láng, đoạn qua địa bàn xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).
Đoạn đường dài 100 mét sạt lở nghiêm trọng gần 20 mét tại xã Tân Phú Thạnh – huyện Châu Thành – tỉnh Hậu Giang.
Đoạn đường dài 100 mét sạt lở nghiêm trọng gần 20 mét tại xã Tân Phú Thạnh – huyện Châu Thành – tỉnh Hậu Giang.

Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông tại tỉnh Hậu Giang ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân. Chỉ gần 8 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã ghi nhận 54 điểm sạt lở với tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 110 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Nếu gia cố, xây kè chống sạt lở thì địa phương phải cần kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quá lớn so với khả năng của địa phương. 

Vì vậy, ông Nguyễn Trọng Đàm cho rằng: “Hậu Giang nên tập trung khảo sát đánh giá tính toán lại toàn bộ vấn đề sạt lở 2 bên các con sông. Cần tính toán nhu cầu nguồn lực rồi xem lại khả năng bố trí xử lý giải quyết. Nếu trường hợp khó khăn thì kịp thời báo cáo với T.Ư để trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét để có giải pháp hỗ trợ, chứ để tình trạng thế này thì nó rất nguy hiểm chưa nói đến hạ tầng kinh tế - xã hội”. 

Theo nhận định của ngành chuyên môn, tình hình sạt lở tại tỉnh Hậu Giang đang diễn biến hết sức nghiêm trọng. Đáng quan tâm nhất là ở huyện Châu Thành  có số điểm sạt lở nhiều nhất là 36 điểm. Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do: “Đồng bằng sông Cửu Long có nền địa chất yếu, chênh lệnh mực nước tương đối cao. Cùng với mùa khô hạn kéo dài, khi mưa lớn kéo dài sẽ dễ dẫn đến sạt lở. Đồng thời, việc xây dựng nhà cửa các công trình giao thông sát mé kênh, sông cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở diễn ra nhanh hơn”. 

Sau khi thị sát, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo “gấp rút khảo sát lên phương án thi công bờ kè chống sạt lở. Tăng cường kiểm tra, các điểm có nguy cơ sạt lở để trên cơ sở đó khuyến cáo cho những hộ dân sống liền kề giải pháp di dời tài sản, tránh giảm thiểu thiệt hại cho con người. Đối với những điểm xảy ra sạt lở, phải xử lý bằng giải pháp công trình, gia cố bằng bờ kè ngay để đảm bảo lưu thông cho bà con”. Bên cạnh đó, địa phương cũng kiến nghị T.Ư tiếp tục hỗ trợ cho Hậu Giang về chương trình phát triển chống sạt lở đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia để có mức hỗ trợ phù hợp với tình hình ngân sách của tỉnh.

Đọc thêm