Hệ lụy do quy định 'cứng nhắc' về chủ thể mở tài khoản

(PLO) - Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định các tổ chức không có tư cách pháp nhân không thuộc đối tượng được mở tài khoản thanh toán. Quy định này khiến các văn phòng luật sư lo ngại vì sẽ gặp nhiều vướng mắc trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý. Điều dư luận quan tâm là quan điểm của Bộ Tư pháp về vấn đề trên như thế nào?.
Hệ lụy do quy định 'cứng nhắc' về chủ thể mở tài khoản

Ngân hàng Nhà nước: Phải chuyển đổi sang tài khoản cá nhân theo Thông tư 32 

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015 đã thiết lập hành lang pháp lý hữu hiệu để tất cả các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, ngày 26/12/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 32/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo quy định tại Thông tư này, các tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… không thuộc đối tượng được mở tài khoản thanh toán, buộc phải chuyển sang tài khoản riêng của cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân, trưởng văn phòng luật sư. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của các văn phòng luật sư. 

Giới luật sư lo ngại vì văn phòng luật sư không có tư cách pháp nhân để mở tài khoản thanh toán
Giới luật sư lo ngại vì văn phòng luật sư không có tư cách pháp nhân để mở tài khoản thanh toán

Đại diện Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ, việc tồn tại các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành là thực tế. Để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 32 đã có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này. 

Cụ thể, Thông tư 32 đã quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, thực hiện thông báo cho khách hàng biết về việc chuyển đổi tài khoản hiện có sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung (đối với trường hợp tài khoản của nhiều cá nhân), thời hạn hoàn tất việc chuyển đổi tài khoản và việc xử lý sau khi kết thúc thời hạn chuyển đổi.

Sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản…

Đối với văn phòng luật sư, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định tài khoản thanh toán của văn phòng luật sư thuộc đối tượng phải thực hiện chuyển đổi sang tài khoản của cá nhân.

Bộ Tư pháp: Quy định của Thông tư 32 chưa hợp lý

Trong khi đó, giới luật sư vẫn đang quan ngại. Tại một cuộc tọa đàm do Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức mới đây, Luật sư Huỳnh Nam (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam) nêu vấn đề: Điều 33 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định, văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Văn phòng luật sư có tài khoản theo quy định của pháp luật.

Như vậy, phải chăng quy định này không còn giá trị áp dụng. Bên cạnh đó, ông Nam cũng chỉ ra, Điều 101 BLDS năm 2015 quy định trường hợp tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của tổ chức đó là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn tư cách chủ thể tham gia quan hệ dân sự của tổ chức đó.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, ngay cả khi cơ quan thuế có thể chấp nhận các chứng từ, thủ tục thuế đối với tài khoản mang tên cá nhân như tài khoản của văn phòng luật sư thì vẫn còn nhiều vướng mắc. Bởi một văn phòng luật sư có thể có nhiều luật sư cùng làm việc chứ không chỉ có một luật sư tiếp cận khách hàng. Khách hàng đến văn phòng luật sư không phải là giao dịch với một cá nhân luật sư mà với chính văn phòng luật sư đó.

Vì vậy, khi khách hàng thanh toán chi phí và thù lao nhưng phải thanh toán tiền vào tài khoản mang tên cá nhân Trưởng văn phòng luật sư hay cá nhân luật sư cộng sự được giao xử lý vụ việc là không hợp lý. Hơn nữa, nếu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của luật sư, chính văn phòng luật sư cũng không đồng ý vì lo ngại không được hoàn thuế, tính chi phí thuế hợp lý cho các giao dịch này… và nhiều hệ lụy pháp lý khác không cần thiết có thể phát sinh.

Liên quan đến vấn đề trên, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú vừa cho biết: Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã làm việc với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì cuộc họp liên ngành gồm đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TANDTC, VKSNDTC và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú: Quy định tại Thông tư 32 chưa hợp lý
Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú: Quy định tại Thông tư 32 chưa hợp lý

Về cơ bản, cách hiểu của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 32 chỉ duy nhất có cá nhân, pháp nhân là chủ thể được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là chưa hợp lý, chưa phù hợp với tinh thần của BLDS, các luật chuyên ngành cũng như thực tiễn và chủ trương của Đảng, Chính phủ với 4 lý do chính. 

Cụ thể, BLDS 2015 không có quy định “cứng” chỉ duy nhất cá nhân, pháp nhân mới là chủ thể tham gia quan hệ dân sự. Tất cả lời văn, cấu trúc của BLDS cũng như Điều 101 của BLDS về sự tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân đều không có cách hiểu như Thông tư 32. Cần lưu ý rằng quy định tại Điều 101 và các điều khoản khác có liên quan của BLDS năm 2015 hướng đến việc xác định rõ cá nhân, pháp nhân cụ thể nào có trách nhiệm (và quyền) trong trường hợp nhóm cá nhân, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự nhân danh nhóm cá nhân, tổ chức đó.

Ngoài ra, BLDS đã quy định rõ nếu luật chuyên ngành không trái với 5 nguyên tắc cơ bản của BLDS được quy định tại Điều 3 của BLDS thì có hiệu lực áp dụng. Trong khi đó, các luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Luật sư… đều quy định doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư được quyền mở tài khoản thanh toán. Như vậy, luật chuyên ngành đã cho phép và phù hợp với BLDS thì một thông tư không thể cản trở quyền này.

Ngoài ra, chính Thông tư 32 đã có mâu thuẫn nội tại khi không cho văn phòng luật sư, doanh nghiệp tư nhân mở tài khoản (dù các chủ thể này có quyền theo Luật Doanh nghiệp, Luật Luật sư) nhưng lại cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán cho khách hàng (với lý do luật chuyên ngành là Luật các tổ chức tín dụng cho phép). 

Cũng theo ông Tú, về chủ trương của Đảng, Chính phủ thì gần đây nhất, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị TƯ 5 khóa XII, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 Chính phủ đã khẳng định chủ trương phát triển doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, tạo môi trường bình đẳng, thông thoáng giữa các doanh nghiệp. Quy định như Thông tư 32 là chưa phù hợp với chủ trương này.

Cuối cùng, nếu quy định một cách “cứng nhắc” như vậy sẽ dẫn đến những xáo trộn không cần thiết; phải thay đổi các quy định pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, về thuế…; tăng thêm chi phí cho xã hội, doanh nghiệp, trong đó có văn phòng luật sư trong các hoạt động của mình. 

Ông Tú cho biết, Bộ Tư pháp đang tiến hành rà soát, tập hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cách hiểu về chủ thể tham gia quan hệ dân sự trong quá trình triển khai thi hành BLDS để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. 

Đọc thêm