Hiện hữu nguy cơ mất an ninh nguồn nước

(PLVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị giải trình “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH (KH, CN&MT) tổ chức hôm qua (17/8).
Hiện hữu nguy cơ mất an ninh nguồn nước

1.200 hồ đập hư hỏng, xuống cấp

Trình bày báo cáo về nội dung giải trình tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra thường xuyên. Tính đến 31/12/2019, cả nước đã phát hiện 66.266 vụ vi phạm, trong đó 14 tỉnh có trên 1.000 vi phạm. Kết quả xử lý các vi phạm còn hạn chế đã và đang ảnh hưởng đến công tác vận hành, chất lượng nước và an toàn công trình.

Về an toàn đập, hồ chứa nước, hiện trên cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó có 401 đập, hồ chứa thủy điện; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi; các hồ chứa đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi luôn được Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Tuy nhiên, hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đe doạ đến tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du, cần đặc biệt quan tâm và xử lý cấp bách…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cũng chỉ ra một số thách thức đối với an ninh, nguồn nước. Trước hết, nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Cùng với đó là việc sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững; ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lý của các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.

“Trên 90%  nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý. Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng, nguồn sinh thủy còn diễn ra”, ông Hà nhấn mạnh. 

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định, các ý kiến tại hội nghị cho thấy nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Việt Nam là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai. “Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3 nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ.

Chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản tự nhiên… chưa kể đến việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước”, Phó Chủ tịch QH nói và dẫn chứng thực tế tình trạng xâm ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có một phần là do nguyên nhân thiếu nước đầu nguồn.

Còn khoảng trống pháp lý

Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, công tác quy hoạch và quản lý của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần được khắc phục và xử lý. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm. Công tác phân công, phân nhiệm làm rõ vai trò, trách nhiệm giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương còn có mặt hạn chế, gây chồng chéo và lúng túng trong quá trình điều hành, vận hành và quản lý trong thực tế.

Tình trạng “bấc đến đâu, dầu đến đấy”, “nước đến chân mới nhảy” vẫn diễn ra ở mức độ khác nhau. Công tác tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch chưa thật tốt, vẫn còn tình trạng phá vỡ quy hoạch, không bảo vệ được quy hoạch, bị lấn chiếm làm các mục đích khác ảnh hưởng đến bảo vệ lưu vực sông, nguồn nước, dòng chảy, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều vẫn diễn ra…

Để có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra, Phó Chủ tịch QH đề nghị phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045, khi chúng ta trở thành một nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì phải chủ động được nguồn nước ngọt đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; đảm bảo chủ động tưới tiêu khoa học, hiện đại cho 100% diện tích canh tác; đủ nước cho công nghiệp và dịch vụ; đáp ứng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115 - 120 triệu dân trong tương lai, cả ở thành thị và nông thôn, nhất là ở nông thôn cũng phải được sử dụng nước tốt như thành thị. 

Hệ thống thủy lợi phải liên thông theo khu vực, vùng, tỉnh, huyện và điều hòa được từ nơi thừa nước đến nơi thiếu nước một cách khoa học; chủ động tiêu úng, chống lũ lụt hiệu quả; phải đảm bảo ngăn được xâm ngập mặn, sạt lở bờ biển và nước biển dâng lấn vào đất liền, không để biển lấn, mà phải lấn biển.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực sông, phối hợp, điều hòa nguồn nước hợp lý, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người vào tự nhiên, làm phá hoại môi trường tự nhiên, nhất là đối với lưu vực sông Mekong, sông  Hồng…

“Cần phải khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập”, Phó Chủ tịch QH nêu rõ. 

Đọc thêm