'Hiến kế' đảm bảo công khai, minh bạch trong kiểm định đầu vào công chức

(PLVN) - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. 
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Góp ý tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Nguyễn Thị Liễu đánh giá, việc quy định 5 hình thức kỷ luật đối với công chức vi phạm, đặc biệt việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ nghỉ hưu mắc vi phạm trong thời gian công tác là phù hợp để tránh việc “hạ cánh an toàn”.

Theo bà Liễu, với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như dùng văn bằng, chứng chỉ giả, việc bị khai trừ, đưa ra khỏi bộ máy là cơ sở pháp lý quan trọng để loại bỏ những cán bộ yếu kém và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 

Một số đại biểu đề nghị tại khoản 2 Điều 4 “Đối tượng là công chức” của dự luật cần bổ sung công chức ở cả cấp xã để tạo tính liên thông giữa công chức cấp xã với công chức nói chung để có cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán. Việc này cũng sẽ giúp thu hút người tài về làm việc tại chính quyền cơ sở. 

Ông Đỗ Minh Sơn - Hội Luật gia TP. Hà Nội đề nghị quan tâm đến chất lượng công chức cấp xã, phải tập trung các chế độ chính sách cho nhóm này vì đây đang là nơi lương ít nhất nhưng công việc lớn nhất, tiếp xúc với dân nhiều nhất, chịu áp lực lớn…

Về tuyển dụng công chức, một số đại biểu cho rằng, cần cụ thể hóa phương thức kiểm định đầu vào công chức để bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả vì hiện nay việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn chung chung, chưa quy định rõ. 

Đọc thêm