Hiến kế để TP HCM thực hiện kỳ vọng thành trung tâm tài chính quốc tế

(PLVN) -  Khát vọng từ 20 năm nay của TP HCM một lần nữa được nêu lại trong Diễn đàn kinh tế TP HCM 2019 (Ho Chi Minh City Economic Forum 2019 – HEF 2019) do UBND TP HCM  tổ chức mới đây.
Một góc TP HCM nhìn từ trên cao.
Một góc TP HCM nhìn từ trên cao.

Khát vọng 20 năm

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu.

Ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, TP HCM đã có khát vọng trở thành TTTC của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP và từ 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP.

Giải thích lý do TP HCM chưa trở thành một TTTC dù mục tiêu đề ra trước đó gần 20 năm, ông Phong cho rằng, do TP có xuất phát điểm thấp, đồng thời, việc trở thành TTTC là một quá trình phức tạp, khó khăn.

Theo ông Phong, trong số 400 ngàn doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% DN vừa và nhỏ; bình quân cứ 5 năm dân số tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.  

Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của thành phố còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại 

Singapore là 243%, tại Kula Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%…

Những điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.

Dù vậy, ông Phong khẳng định: “Những hạn chế đó không làm TP chùn bước mà càng thôi thúc thành phố mơ ước và khát vọng cao hơn, khát vọng mãnh liệt để TP phát triển nhanh và bền vững hơn”.

Hơn nữa, theo ông Phong, khi TP tiến lên thì các đô thị khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. “Do vậy, TP tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành TTTC quốc tế”, ông Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển TP HCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết giúp TP thực hiện thành công Đề án, còn là cơ sở quan trọng để TP chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách TP còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.

Góp ý của chuyên gia

Khát vọng trên của TP HCM được nhiều chuyên gia kinh tế góp ý. Theo TS. Cấn Văn Lực, muốn đo lường quy mô thị trường tài chính phải bao gồm bốn cấu phần: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thị trường phái sinh. Thị trường tài chính TP HCM mới chiếm 6,2% GRDP của cả nước, giá trị vốn hoá cổ phiếu tại TP HCM mới chỉ chiếm 60% của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

“TP HCM đang giữ vai trò là đầu tàu kinh tế, nhưng để chính thức trở thành TTTC quốc gia, còn phải là nơi đặt trung tâm của các định chế tài chính, hiện mới chỉ 1/3 các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán đặt tại TP HCM”, ông Lực nói.

Ở tầm khu vực, đối chiếu 10 tiêu chí để trở thành TTTC, TP HCM mới cơ bản đáp ứng được bốn tiêu chí ở mức trung bình khá: Vị trí, danh tiếng, môi trường kinh doanh, mức độ đa dạng của sản phẩm dịch vụ tài chính.

Sáu tiêu chí còn lại trong đó có bốn điều kiện vô cùng quan trọng, nếu không tập trung nguồn lực thì rất khó để thực hiện. Thứ nhất là đồng tiền phải tự do chuyển đổi không chỉ trong nước mà còn phải trong khu vực, điều này muốn làm được phải có sự thay đổi thể chế, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của NHNN.

Thứ hai là tự do luân chuyển dòng vốn, tiền vào - tiền ra thông suốt thì nhà đầu tư mới dám đầu tư. Thứ ba là cơ sở hạ tầng phải được hoàn thiện và bắt kịp sự phát triển kinh tế. Cuối cùng là nguồn nhân lực, muốn thành TTTC khu vực phải có nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành tài chính ngân hàng, công nghệ và có khả năng ngoại ngữ tốt.

Từ đó, theo ông Lực, nếu định hướng TP HCM phải cạnh tranh với Hongkong, Seul thì rất khó, vì đằng sau các TTTC này là hàng triệu doanh nghiệp đang giao dịch trên TTCK. Nên đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách với Kuala Lumpur của Malaysia thì sẽ khả thi hơn.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cho biết, mặc dù sau 20 năm phát triển, độ lớn TTCK TP HCM khá đáng kể, tổng giá trị vốn hoá là gần 180 tỷ USD, đạt trên 70% GDP, mức cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Muốn trở thành TTTC khu vực cần phải huy động được vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên theo báo cáo của WB xác định độ hấp dẫn của các thành phố, TP HCM chỉ xếp thứ 69/190.

Thị trường vốn còn thiếu vắng chủ thể mang tính tổ chức, thiếu những tổ chức quản lý quỹ, các chủ thể, loại hình và tốc độ hoạt động trên thị trường chưa đa dạng, còn phải khai thác rất nhiều tiềm năng của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng để trở thành TTTC khu vực.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, ngay từ đầu chưa nên định hướng thành TTTC toàn diện hay chuyên biệt. Trước mắt phải thực hiện chuẩn hoá hệ thống kế toán, thuế, sắp xếp lại hệ thống tài chính, công cụ thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, tạo môi trường pháp lý, quản lý Nhà nước thuận lợi để thúc đẩy thị trường tài chính, sau đó mới xem xét thế mạnh, lĩnh vực nào bật lên để tập trung phát triển. 

Đọc thêm