Hiệu quả của việc kịp thời

(PLO) - Rất nhanh chóng, sau khi phát hiện các cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) mua rẻ đất của dân, cấp cho người nhà, biến đất rừng, đất vườn thành đất ở, chính quyền đã vào cuộc, thu hồi các “sổ đỏ” đã cấp “thần tốc” này và có động thái xem xét xử lý kỷ luật các cán bộ sai phạm.
Hiệu quả của việc kịp thời

Đó là việc xử lý kịp thời, rất đáng hoan nghênh, cũng là dấu hiệu cho thấy chuyển động tích cực gần đây trong các lĩnh vực quản lý xã hội khác nhau. Ví dụ như việc đề ra những giải pháp cấp bách cho Giáo dục trước “sự cố” đầu vào kém cỏi của ngành sư phạm hoặc việc tập trung giải quyết những ồn ào chung quanh Trạm thu phí Cai Lậy và như một hiệu ứng, các khuất tất, mập mờ đằng sau các dự án BOT đang bị phanh phui.

Sự kịp thời mang lại một hiệu quả thấy rõ là yên lòng dân, đồng nghĩa với việc tạo ra sự ổn định xã hội, có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo dựng niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền. Trái lại, việc chậm trễ, dây dưa, đẩy sự việc cần giải quyết vào tình trạng “ngâm cứu” chính là nguyên nhân gây ra sự trì trệ trong bộ máy hành chính và sự bất ổn của xã hội, bức xúc của dư luận.

Lâu nay, các việc để lâu “hóa bùn” và “chìm xuồng” vẫn thường diễn ra và không ai phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ đó cả, vì thế, hiện tượng này trở nên phổ biến với các phương thức như “đá bóng thẩm quyền”, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết nhỏ giọt hoặc lỳ ra không xem xét gì cả. Hệ quả, có việc khiếu nại 20 năm không xong mà khi ông Chủ tịch thành phố trực tiếp giải quyết chỉ có 20 phút! Câu chuyện hành chính này buồn nhiều hơn vui, đặc biệt những người gây ra việc trì hoãn 20 năm ấy không hề hấn gì, không bị “cách chức quá khứ” thì những việc tương tự như vậy còn tiếp tục xảy ra.

Gần đây, dư luận “dài cổ” ngóng kết luận thanh tra “biệt phủ” ở Yên Bái là một ví dụ rất điển hình. Khi kịp thời thanh tra nhân dân mừng bao nhiêu thì khi lần lữa lùi ngày công bố khiến người ta bức xúc bấy nhiêu. Tương tự, vụ Bí thư Huyện ủy tranh chấp đất với dân ở Bạc Liêu “biến thẳng thành cong” gây xôn xao dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng kết quả thì mãi không được công bố khiến dân chúng bất bình, giảm sút niềm tin vào chính quyền sở tại. Ngay ở Hà Nội, cũng có việc nhỏ nhoi như thông một cái cống mà hàng chục năm chính quyền hết cấp này đến cấp khác giải quyết mãi không xong.

“Rèn sắt khi còn nóng” đó là phương châm xử thế đúng đắn, hợp quy luật, ai cũng biết. Thế mà, chính quyền lại chọn phương thức để sắt nguội mới rèn thì làm sao còn rèn được nữa! 

Đọc thêm