Hiệu quả từ mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi”

(PLO) - Thời gian qua, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) đã áp dụng rất nhiều mô hình giáo dục chính trị đạt hiệu quả cao, trong đó có mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” qua hệ thống truyền thanh nội bộ.
Một buổi huấn luyện giáo dục pháp luật tại Tiểu đoàn 18
Một buổi huấn luyện giáo dục pháp luật tại Tiểu đoàn 18
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trịnh Văn Hùng - Chính ủy Sư đoàn 324 (Quân khu 4) cho biết:“Sư đoàn 324 là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuổi đời của cán bộ, chiến sĩ còn trẻ nên  tôi rất trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để chuyển tải được giáo dục truyền thống, chính trị, pháp luật một cách hiệu quả, ý nghĩa, thiết thực nhất đến cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị. Vì vậy, trong thời gian qua, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 324 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đạt hiệu quả cao”.
Bên cạnh các hình thức đã được triển khai sâu, rộng như giáo dục pháp luật tập trung, Hội thi tuyên truyền viên pháp luật hàng năm, Ngày Pháp luật hàng tháng, 2 giờ pháp luật hàng tuần,... Sư đoàn đã đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” trên hệ thống truyền thanh nội bộ. 
Theo đó, hàng ngày vào lúc 18 giờ 30 phút, Ban biên tập đưa ra một câu hỏi pháp luật theo hình thức trắc nghiệm trên hệ thống truyền thanh nội bộ; bộ đội nghiên cứu, trao đổi qua buổi sinh hoạt, từ tổ 3 người đến tiểu đội, trung đội, sau đó báo cáo đáp án mình lựa chọn với trung đội trưởng; trung đội trưởng tổng hợp, báo cáo chỉ huy đại đội; chỉ huy đại đội tổng hợp, báo cáo chỉ huy tiểu đoàn; đầu mối các đơn vị báo cáo về Ban biên tập vào lúc 21 giờ 00 cùng ngày. 
Ban biên tập nghiên cứu, lựa chọn và thông báo kết quả trả lời câu hỏi trước cũng như đáp án đúng vào 18 giờ 30 phút ngày hôm sau; đồng thời đưa ra câu hỏi mới cho bộ đội tiếp tục nghiên cứu. Để mô hình hoạt động có hiệu quả, các đơn vị đã thành lập Ban biên tập, có nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm; đề ra chương trình hoạt động cụ thể đến từng ngày; xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi; biên tập, tổ chức phát sóng, theo dõi, tổng hợp kết quả của các cơ quan, đơn vị.
Trung tá Hà Huy Hoàng - Chính ủy Trung đoàn BB1 - cho chúng tôi biết thêm, mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” là hình thức giáo dục để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ  nâng cao kiến thức về pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội có điều kiện ngấm dần vào mỗi cán bộ, chiến sĩ theo cách “mưa dầm thấm sâu”, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật của đơn vị, tình hình chấp hành kỷ luật của bộ đội toàn Sư đoàn có sự chuyển biến tích cực, vững chắc, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường còn 0,25%. Sư đoàn không có hiện tượng vi phạm an toàn giao thông, v.v... 
Binh nhất Lê Văn Long - chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 15 - chia sẻ: “Mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật” đã giúp chúng tôi  có thêm được kiến thức pháp luật, là hành trang để tôi hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn và sau này khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ là công dân tốt, tiếp tục xây dựng quê hương giàu mạnh …”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của trên, của địa phương tổ chức thông báo kết quả công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, quân nhân trong và ngoài đơn vị trên địa bàn, thường xuyên phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, Cụm quốc phòng, an ninh,  gặp gỡ đối thoại; lồng ghép các hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ; sưu tầm, bổ sung tài liệu cho Tủ sách pháp luật; giáo dục thông qua các thiết chế văn hoá... 
Đơn vị còn có các biện pháp phong phú, thiết thực, kết hợp giữa ra câu hỏi với hình thức trực quan như Hội thi tìm hiểu về pháp luật hay diễn đàn sinh hoạt ngày chính trị văn hóa tinh thần, các cấp đã giúp bộ đội nắm được tình hình chấp hành pháp luật trên địa bàn, trong Quân khu và đơn vị; từ đó tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu, tham khảo, nâng cao kiến thức về pháp luật để tranh luận, trao đổi, giải đáp các tình huống và các câu hỏi pháp luật. 
Cũng thông qua việc làm này, mỗi cán bộ, chiến sĩ tự điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với các quy định chung, khắc phục những biểu hiện tự do, tùy tiện, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và quy định của Quân đội, đơn vị.
Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới, việc duy trì và phát huy vai trò của mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi pháp luật của cán bộ, chiến sĩ mẫu mực về kỷ luật, làm cơ sở hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ... 

Đọc thêm