Hoa tiêu phạm luật, tàu va chạm “hất” gần 70 container xuống biển?

(PLO) - Vụ việc hai tàu Heung A Dragon và Eleni va chạm tại luồng hàng hải Vũng Tàu vừa qua để lại hậu quả khôn lường khi hàng chục container hóa chất đang chìm dưới biển, thiệt hại kinh tế lên đến hàng trăm tỷ đồng… Một nguyên nhân “góp phần” dẫn đến vụ va chạm lại đang có dấu hiệu do hoa tiêu dẫn tàu đã phạm luật.
Trách nhiệm thuộc hoa tiêu?
Theo ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu -  đến thời điểm hiện tại ước tính thiệt hại khoảng trên 700 tỷ đồng, nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm vẫn đang được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. 
Thực tế, tàu Eleni xuất phát từ Cảng thép Phú Mỹ lúc 21 giờ ngày 07/11, trên tàu chở 180 container hàng hóa và theo yêu cầu bố trí hoa tiêu của Đại lý hàng hải VTOSA gửi Xí nghiệp Hoa tiêu thuộc Cty Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu (Vungtau Ship) cho tàu từ điểm xuất phát là Cảng thép Phú Mỹ đến phao số 0 Vũng Tàu. Việc dẫn tàu Eleni được giao cho hoa tiêu ngoại hạng Võ Việt Đức. 
Tuy nhiên, hoa tiêu Đức đã không thực hiện theo yêu cầu của đại lý tàu mà chỉ đến phao số 4 và sau đó đã rời tàu để tàu Eleni tự đi ra phao số 0. Theo hải trình, tàu Eleni sẽ đi qua lần lượt từ phao số 4 đến phao số 3 và đến phao số 2 đã va chạm phải tàu Heung A Dragon theo chiều ngược lại. Khi xảy ra tai nạn, cả hai tàu Heung A Dragon và Eleni đều không có hoa tiêu dẫn đường. 
Sau khi va chạm với tàu Eleni, tàu Heung - A Dragon bị nghiêng sang mạn trái làm gần 70 container rơi xuống biển. Ảnh: Đông Hà
 Sau khi va chạm với tàu Eleni, tàu Heung - A Dragon bị
nghiêng sang mạn trái làm gần 70 container rơi xuống biển. 
Ảnh: Đông Hà
Một vấn đề đặt ra là: Liệu việc bỏ không dẫn tàu giữa chừng của hoa tiêu Võ Việt Đức có dẫn đến xảy ra vụ va chạm nêu trên? Tại Mục 4 Điều 173 Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của hoa tiêu hàng hải khi dẫn tàu có ghi rõ: “Hoa tiêu hàng hải phải thực hiện mẫn cán nghĩa vụ của mình. Việc dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải kết thúc khi tàu đã thả neo, cập cầu cảng, đến vị trí thỏa thuận an toàn”. 
Như vậy, theo bản yêu cầu của Đại lý hàng hải VTOSA thì hoa tiêu dẫn tàu đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hàng hải. Phân tích về vụ việc trên, Luật sư Phạm Hữu Giáo - Giám đốc Cty Luật Hoàng Minh Tâm thuộc Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh - cho rằng: Ngoài thực hiện theo Bộ luật Hàng hải, hoa tiêu đã vi phạm hợp đồng kinh tế giữa Đại lý hàng hải VTOSA với Xí nghiệp Hoa tiêu bởi khi có yêu cầu của phía Đại lý hàng hải VTOSA thì đương nhiên đã chuyển thành hợp đồng kinh tế. Do đó, việc hoa tiêu xuống giữa chừng - kể cả có được sự đồng ý của thuyền trưởng  - thì đây đã có dấu hiệu thông đồng với nhau để “ăn bớt” hợp đồng. 
Theo Luật sư Giáo, có thể coi việc hoa tiêu Võ Việt Đức rời tàu để tàu Eleni tự di chuyển đến phao số 0 là nguyên nhân chính dẫn đến vụ va chạm giữa hai tàu Heung A Dragon và Eleni do thiếu trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng.  
Báo động đỏ luồng hàng hải Vũng Tàu
Thực tế, tình trạng mất an toàn hàng hải trên luồng hàng hải Vũng Tàu, vào tháng 4/2013 Báo PLVN đã có bài cảnh báo mà trong đó, hàng loạt hoa tiêu ngoại hạng thuộc Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu xin nghỉ việc. Cho đến nay, theo danh sách tại Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu, chỉ còn 10 hoa tiêu nhưng có hai trường hợp lớn tuổi đang chờ sổ hưu nên chỉ được phân công dẫn dắt tàu hạng II hoặc hạng III, trường hợp hoa tiêu Võ Việt Đức sau khi xảy ra sự cố va chạm tàu Heung A Dragon và Eleni đang bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra và một trường hợp khác do Tổng Giám đốc Vungtau Ship ký quyết định tạm đình chỉ công tác do liên quan đến một số việc khác. 
Như vậy, chỉ có 6/10 hoa tiêu tham gia điều tiết tàu trên luồng hàng hải Vũng Tàu trong khi trên các tuyến, luồng hàng hải vùng hoạt động hoa tiêu bắt buộc do Vungtau Ship quản lý như Côn Đảo, Thị Vải, sông Dinh… nhiều tàu có trọng tải lớn từ đây đi các cảng của châu Âu, Mỹ và các công trình dầu khí quan trọng thường xuyên ra vào. 
Theo thống kê của Vungtau Ship, mỗi năm dẫn khoảng trên 9.000 lượt tàu lớn nhỏ ra vào, trung bình hơn 32 lượt tàu/ngày; bình quân một hoa tiêu ngoại hạng tại Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu phải lai dắt hơn 5 chuyến tàu/ngày ra vào luồng. Với cường độ hoạt động của hoa tiêu Vũng Tàu nêu trên, việc xảy ra tai nạn hàng hải trên tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu mà nguyên nhân bắt nguồn từ hoa tiêu cũng không mấy khó hiểu. 
Chiều 18/11, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã họp với các bên liên quan và thống nhất việc giải phóng hàng hóa và trục vớt tàu Heung A Dragon sẽ được tiến hành từ ngày 19/11.
Theo phương án do Cty TNHH Sửa chữa tàu và cứu hộ hàng hải Nice Sea cùng các chuyên gia cứu hộ của Cty Cứu hộ Svitzer (Cty được chủ tàu Heung A Dragon thuê đánh giá thiệt hại và lên kế hoạch trục vớt tàu), có 5 giai đoạn. Giai đoạn một, di dời các container khô (chưa chạm nước) gửi lưu kho trên bờ để đánh giá thiệt hại; container bị tác động do vụ cháy sẽ được tiếp cận bởi các chuyên gia vật liệu nguy hiểm. Giai đoạn hai, bơm hút nhiên liệu ra khỏi tàu. Giai đoạn ba, di dời các mảnh vỡ, vá thân tàu. Giai đoạn bốn, di dời vị trí của nắp hầm hàng và trục vớt các container bị ướt phía trong. Giai đoạn năm cho tàu nổi trên mặt nước.
Công tác giải phóng hàng hóa và trục vớt tàu Heung A Dragon sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian từ 50 đến 60 ngày tùy theo điều kiện thời tiết tại hiện trường.

Đọc thêm