Hoang mang vì… trò giỏi?!

(PLO) - Những ngày này, trên facebook cá nhân của các phụ huynh ngập tràn hình ảnh về kết quả học tập của con em mình. Tổng kết năm học, điểm thi Toán, Văn và các môn phụ của con toàn 9, 10 điểm. Điều đó là hẳn nhiên vì giáo dục của Việt Nam vừa được OECD đánh giá là đã vượt qua cả Anh, Mỹ?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cùng một Thông tư những mỗi trường một khác
Vậy là đã kết thúc năm học đầu tiên thực hiện Thông tư 30 gây nhiều tranh cãi suốt một năm trời. Nếu như đầu năm học, phụ huynh, thầy cô hoang mang khi đi học không có điểm thì đến cuối năm lại một phen rộn ràng danh hiệu học sinh. 
Mỗi trường đánh giá học sinh một kiểu, có trường vẫn phân loại học sinh theo cách truyền thống là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh trung bình thì một số trường khác khen học sinh với những danh hiệu như ở công sở: hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc môn học, hoàn thành tốt nhiệm vụ môn học và hoàn thành nhiệm vụ môn học. 
Đối với giấy khen cuối năm ghi “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của học sinh” tương đương với mức 9-10 điểm; “hoàn thành tốt nhiệm vụ của học sinh” tương đương 7-8 điểm và “hoàn thành nhiệm vụ của học sinh” tương đương với mức 5-6 điểm”… là lý giải của giáo viên.
Theo Thông tư 30, Hiệu trưởng sẽ quyết định tỷ lệ học sinh được khen toàn diện ở trường mình. Căn cứ vào tỷ lệ này, tập thể lớp sẽ bình chọn với 3 tiêu chí: về học tập, năng lực và phẩm chất. Giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của cả lớp rồi quyết định khen thưởng học sinh toàn diện. Số còn lại, ở một số trường, sẽ xem xét, học sinh nào tích cực về mặt học tập, có thể có 4-5 điểm 9, điểm 10 thì biểu dương về tinh thần học tập, còn em nào có ý thức tốt thì tuyên dương về năng lực, phẩm chất. 
Thế nhưng, vì cách hiểu và áp dụng Thông tư 30 ở mỗi trường một khác nên mới có chuyện, trường thì siết chặt, ít cháu được khen; nhưng lại có trường cháu nào cũng được khen: cháu được khen toàn diện, cháu khen về hoạt động phong trào, cháu thì được khen về mặt học tập… 
Giáo viên một trường tiểu học ở quận Long Biên cho rằng, việc để cho các học sinh bình chọn những bạn xuất sắc cũng mang tính cảm tính. Các con thích bạn nào thì bầu cho bạn ấy chứ ít khi căn cứ vào năng lực thực sự của bạn. 
Chị Hải Anh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phụ huynh học sinh lớp 5 cho biết: “Con mình mọi năm và năm nay đều trong tốp các bạn học tốt đầu lớp, các bài thi chỉ có một bài điểm 9 nhưng cháu cũng chỉ nhận được giấy khen: hoàn thành tốt nhiệm vụ môn học cũng tương đương như các bạn học sinh tiên tiến. 
Năm nay cháu lấy điểm để xét tuyển lớp 6 nữa nên mình thấy vậy có vẻ không ổn. Dù mình không bắt con đua tranh thành tích nhưng mình muốn con phải được đánh giá đúng và công bằng, con đạt ở mức nào chứ không phải cào bằng như vậy”.
Lo hơn mừng
Còn với học sinh THCS, bảng thành tích của các em cũng đồng loạt học sinh giỏi. Một phụ huynh Trường THCS Trưng Vương cho biết, lớp con mình sau năm học đầu tiên bậc THCS đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi cả lớp chỉ có duy nhất một học sinh tiên tiến, số còn lại đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. 
Một phụ huynh khác ở Trường THCS Nguyễn Trường Tộ cũng cho biết: cô giáo nói năm nay lớp có 57 bạn thì chỉ có 8 bạn đạt học sinh tiên tiến, như thế cũng đã nhiều. Điều này cũng không phải là hiện tượng đáng ngạc nhiên vì hiện nay, tỷ lệ học sinh giỏi năm học sau thường cao hơn năm học trước trong toàn cấp học. 
Như vậy, nếu bậc tiểu học đã bắt đầu khởi động việc đánh giá học sinh cả về kiến thức, năng lực, phẩm chất thì ở bậc THCS, THPT, cách đánh giá vẫn là kiểu cũ, chỉ tập trung vào kiến thức. Việc thi cử, xét tuyển cũng nghiêng về vấn đề này khiến cho số học sinh giỏi không đúng thực chất ngày càng nhiều. 
Điều đáng nói, khi phụ huynh và các em luôn nghĩ mình giỏi sẽ không còn sự cố gắng và cũng không biết mình đang ở đâu nếu điểm luôn luôn cao. Chỉ khi bước vào các cuộc thi nghiêm túc với sự thẳng tay, không còn vì thành tích của trường, của lớp và những cuộc ganh đua của người lớn thì hậu quả là sự thiệt thòi vô cùng lớn cho cả một thế hệ. 
Hay nói như PGS Văn Như Cương: “Lớn lên với quá nhiều giá trị ảo thì các em sẽ không phân biệt và không bảo vệ được sự chân thật. Khi mà  trong những năm tháng đẹp nhất của đời người ngồi trên ghế nhà trường, con người ta chỉ được học những kỹ năng để trở thành giả dối thì chúng ta sẽ có cả một thế hệ giả dối”. 
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, có nhiều học sinh giỏi là điều đáng mừng, nếu phản ánh đúng kết quả học tập. Nhưng trong xã hội của chúng ta, không chỉ riêng giáo dục, mà mọi ngành, mọi cấp đều có các mức giỏi, khá, trung bình. Đó là một quy luật, chứ không thể nhiều đột biến học sinh giỏi như hiện nay.  

Đọc thêm