Học phí, viện phí thực hiện theo cơ chế giá

(PLO) - Đề xuất này của Chính phủ trong Dự thảo Luật Phí, Lệ phí đã được nhiều ý kiến đồng tình tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua (6/4).
Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
Còn 51 khoản phí và 39 khoản 
lệ phí
Theo Tờ trình của Chính phủ, danh mục phí, lệ phí kèm theo Dự thảo Luật gồm 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) cơ bản nhất trí việc bãi bỏ, chuyển sang cơ chế giá và bổ sung mới một số khoản phí, lệ phí. 
Tuy nhiên, danh mục phí, lệ phí quy định trong Dự thảo Luật chưa cụ thể, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; một số loại phí, lệ phí chưa rõ về tên gọi với nội hàm. Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, có phân loại theo nhóm ngành cụ thể ngay trong Dự thảo Luật.
Thẩm tra bước đầu Dự án Luật, trên cơ sở tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Phí và Lệ phí để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí và lệ phí, Ủy ban TCNS thống nhất đánh giá phí và lệ phí là các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. 
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và một số ý kiến khác, một số quy định trong Dự thảo còn chung chung, chưa rõ về nội hàm của từng khái niệm, cụ thể như khái niệm về phí, lệ phí, dịch vụ công, giá dịch vụ dẫn đến chưa rõ ràng trong phân loại giữa phí và lệ phí, giữa phí, lệ phí và giá dịch vụ… Ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ hơn để hoàn thiện Dự án Luật. 
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị làm rõ nguyên tắc xác định mức thu phí để “tổ chức, cá nhân đầu tư vào thì biết mình theo nguyên tắc nào và người dân trả phí cũng biết theo nguyên tắc nào”. 
Bãi bỏ một số loại phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân
“Cần có rà soát để cải cách mạnh mẽ, tổng thể các loại phí, lệ phí, không lệ thuộc vào việc vì có các quy định khác mà chúng ta đưa vào đây cho đầy đủ” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị. Vì theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện đưa ra khỏi danh sách, loại bỏ 18 khoản phí, đồng thời bổ sung 15 khoản phí mới vì các luật mới ban hành gần đây có quy định. 
Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí qui định học phí, viện phí thực hiện theo cơ chế giá và thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá, nhất trí việc chuyển thuế môn bài là khoản lệ phí như Dự thảo Luật.
Đồng thời cho rằng Nhà nước thu lệ phí trước bạ nhằm thực hiện xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân, tuy nhiên hiện nay cơ chế thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản và giao cho HĐND tỉnh quy định với tỷ lệ thu khác nhau dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu trên toàn quốc. Do đó, Ủy ban TCNS nhận thấy cần quy định tỷ lệ thống nhất về một mức đối với mỗi loại tài sản, đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.
Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí mà có mức thu thấp, chi phí hành thu cao (như lệ phí hải quan...) nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành thu; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố...). 
* Hôm qua 6/4, tại Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bấm nút chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Cổng thông tin điện tử Quốc hội được thiết kế với những nội dung cơ bản như: Thông tin về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; kênh truyền hình Quốc hội trực tuyến… với 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh. 
* Sáng qua 6/4, thảo luận về Dự thảo Luật An toàn thông tin (ATTT), nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị sửa phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Luật. 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất luật nên chỉ ra 3 cấp độ vi phạm ATTT: lấy cắp thông tin, xung đột mạng và chiến tranh mạng với các quy định về cách xử lý tương ứng để tạo bảo đảm ATTT trên mạng. Tiếp ý kiến này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng nên xác định rõ hơn cấp độ bảo vệ thông tin trên từng lĩnh vực, không chỉ quốc phòng và an ninh mà còn cả kinh tế, hệ thống điện… 
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết cần nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ, đáp ứng 2 yêu cầu: đảm bảo công tác quản lý nhưng cũng không cản trở quyền tiếp cận thông tin của các cá nhân, tổ chức. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Dự thảo Luật ATTT cần làm rõ đối tượng muốn điều chỉnh; làm rõ yêu cầu ATTT ở khâu nào: người cấp thông tin, người truyền tin hay người nhận tin để từ đó xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh; đảm bảo tính khả thi của Dự luật.

Đọc thêm