Hội chứng 'đùn đẩy' và 'kêu cứu'

(PLO) - Câu chuyện UBND tỉnh Bắc Ninh có  văn bản gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu và “kêu cứu” vì bị “thế giới ngầm” đe dọa cá nhân Chủ tịch tỉnh và cán bộ thuộc cấp làm cho câu chuyện vốn bình thường trở nên nghiêm trọng.
Hội chứng 'đùn đẩy' và 'kêu cứu'

Nhận định về câu chuyện này, một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ông cảm thấy lạ khi một chủ tịch UBND tỉnh với cả bộ máy hệ thống chính trị, lực lượng quân đội, công an trong tay, thẩm quyền trong tay rất đầy đủ theo quy định của pháp luật mà khi vừa bị nhắn tin đe dọa đã phải đi cầu cứu Thủ tướng. “Tôi ngạc nhiên. Nếu có sức ép, có hù dọa gì đó thì không lẽ chính quyền sợ “xã hội đen”? 

Chẳng lẽ, chính quyền gặp chuyện gì cũng kêu cứu Thủ tướng? Trong khi ở địa bàn mình quản lý, mình nắm được có việc gì không đúng thì với thẩm quyền mình phải xử lý trước đã”- ông nói.

Đúng như thế thật, lãnh đạo nhiều địa phương đang mắc “hội chứng đá bóng” và “kêu cứu” cấp trên một cách không bình thường.

Chúng ta thường trách bộ phận nhân dân có oan ức hay khiếu nại vượt cấp, tái khiếu nại không đúng quy định của pháp luật. Tình trạng khiếu nại vượt cấp diễn ra phổ biến hiện nay xuất phát một phần lớn từ ý thức pháp luật và nhận thức của người dân. Nhiều người dân không tìm hiểu về quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng khiếu nại không đúng thẩm quyền, khiếu nại khi đã hết thời hiệu khiếu nại. Tuy nhiên có một thực tế cần phải khẳng định là: Luật pháp đang thiếu chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền huyện, tỉnh trong việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại của dân.

Thế đấy, trách nhiệm với dân thì các ông đứng đầu không làm hết trách nhiệm; việc liên quan đến các ông, nằm trong phạm vi quyền hạn thì báo cáo... Thủ tướng (!)

Trong tình hình như vậy, xin nhắc lại “ngọn lửa Đoàn Ngọc Hải” ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.  Xin trích lại câu nói của ông: “Người dân đang kỳ vọng vào chính quyền, mà mình cứ đủng đỉnh sao xã hội phát triển được”. Khi mà đến những chuyện “nhỏ như cái móng tay”, từ quán cà phê Xin chào đến thanh lý xe công đều đến tay Thủ tướng, người ta tự hỏi, các lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp sở, ngành họ đang ở đâu?”.

Phải nói rằng trong tình cảnh rất, rất nhiều người lãnh đạo khoác cái áo “né” cho an toàn trong nhiệm kỳ của mình thì hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải đã thắp lên rất nhiều niềm tin trong người dân gửi đến một thông điệp: Hỡi những người công bộc khác – những người đang ăn lương nhà nước, hưởng bổng lộc của nhân dân hãy làm hết trách nhiệm của mình.

Đọc thêm