Hội nghị APPF-26 tại Việt Nam: Điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội

(PLO) -8 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị APPF-26 tại Việt Nam.
Hội nghị APPF-26 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18/1 tới
Hội nghị APPF-26 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18/1 tới

Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) do Quốc hội (QH) Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 21/1/2018 tại Hà Nội. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Nhà nước ta trong năm 2018.

Theo Ban tổ chức, chủ đề của Hội nghị dự kiến là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, phản ánh xu hướng phát triển của ngoại giao nghị viện trên thế giới, đặc biệt là trên các diễn đàn đa phương cũng như những quan tâm chung của các quốc gia là hòa  bình, ổn  định, phát triển bền vững. Chủ đề cũng định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một Tầm nhìn cho APPF, một tương lai chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo cho các nghị viện thành viên nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân.

Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển, sẽ là một dấu ấn mới trong lịch sử của APPF, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình nghị sự, xác định tầm nhìn mới cho APPF trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Hội nghị sẽ thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trên kênh nghị viện. 

Theo dự kiến, Hội nghị APPF-26 sẽ bao gồm phiên họp Nữ nghị sỹ APPF và 4 phiên họp toàn thể. Đến nay, đoàn Việt Nam đã hoàn thiện 6 dự thảo Nghị quyết do QH Việt Nam chủ động đề xuất, bao gồm: thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực; vai trò của APPF trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Bên cạnh đó, để ghi dấu ấn 25 năm hình thành và phát triển APPF, đưa ra một giai đoạn phát triển mới của APPF, QH Việt Nam đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội – Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á – Thái Bình Dương. Bản Tuyên bố này sẽ bảo đảm tính kế thừa của APEC cũng như phù hợp với các Tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua, như Tuyên bố Tokyo (1993) thành lập APPF; Tuyên bố Vancover (1997) về tầm nhìn thế kỷ XXI của APPF… 

Đây là lần thứ 2 QH Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APPF. Đăng cai và tổ chức Hội nghị lần này là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao Nhà nước ta, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF, truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh của Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm với bạn bè quốc tế. Chúng ta tổ chức Hội nghị APPF-26 với phương châm đảm bảo chủ động, tích cực, đóng góp thực chất vào các nội dung Hội nghị, bảo đảm hài hòa lợi ích của Việt Nam với lợi ích chung của khu vực, thể hiện được vị thế và vai trò của QH nước chủ nhà. Về khâu tổ chức, bảo đảm trọng thị, hữu nghị, chu đáo, an toàn và tiết kiệm, đáp ứng thông lệ tổ chức Hội nghị APPF.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, Phó trưởng Ban Tổ chức APPF-26 Nguyễn Văn Giàu, đến tuần qua, Ban Tổ chức đã nhận được thông tin đăng ký tham dự Hội nghị của 21/27 đoàn với tổng số 210 khách quốc tế, trong đó dự kiến có 8 đoàn cấp Chủ tịch QH, 6 cấp Phó Chủ tịch QH. Do vậy, khách quốc tế dự Hội nghị có thể lên đến 280-300 đại biểu. 

Diễn đàn APPF được thành lập năm 1993 với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên, trong đó có nhiều nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… nhằm tăng cường trao đổi giữa các nghị sỹ trong khu vực về các vấn đề an ninh – chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại và văn hóa với mục tiêu giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì văn hóa, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Diễn đàn APPF cũng là kênh hỗ trợ cho APEC.

Đọc thêm