Hôm nay khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Dấu ấn về Chính phủ phục vụ người dân

(PLVN) - Chiều nay (9/12), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia (CDVCQG). Đây là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu tại họp báo ngày 7/12, Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chiều nay (9/12), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì khai trương CDVCQG. Theo ông Dũng, đây là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. 

Giới thiệu về CDVCQG tại họp báo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ, cho biết CDVCQG có vai trò quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, là hệ thống kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp qua phương thức điện tử.

Ông Phan cho hay, chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng 1 tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các CDVC cấp Bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính...

CDVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về TTHC và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công. 

“Theo tính toán chi phí xã hội thực hiện 8 nhóm dịch vụ công, giả định với số lượng giao dịch như năm 2018, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại CDVCQG sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua CDVCQG mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng”, ông Phan nhấn mạnh và cho biết con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên CDVCQG. 

CDVCQG với các nền tảng, dữ liệu dùng chung cũng sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính…

Theo ông Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã triển khai Chính phủ điện tử từ năm 2000. Tuy nhiên, với yêu cầu cao hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc triển khai Chính phủ điện tử cần phải đi vào thực chất, hiệu quả.

Ông Dũng nhấn mạnh triển khai CDVCQG trước hết đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp bởi hiện nay, khi người dân thực hiện TTHC tại các cơ quan phải làm thủ tục nhiều lần, nộp hồ sơ nhiều nơi, thủ tục hồ sơ lại kèm nhiều hồ sơ phụ…

Chi phí thời gian, chi phí công sức, chưa nói vấn đề “tham nhũng vặt” đã tạo khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Ông Dũng cũng nhìn nhận, trong quá trình thực hiện CDVCQG sẽ có vô vàn khó khăn. Đây là sản phẩm bước đầu và quá trình thực hiện là 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa, không có giới hạn và trong quá trình thực hiện sẽ làm tăng dần dữ liệu.

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết EVN đã chủ động đăng ký 3 dịch vụ trên CDVCQG. Đây là biện pháp để EVN đưa dịch vụ đến người dân một cách đơn giản hơn, gần gũi hơn, qua đó cũng giám sát được quá trình giải quyết qua các phản hồi của người dân, doanh nghiệp. 

Bà Phan Thu Hiền, Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, cho hay, đơn vị đã hoàn thiện và đưa lên CDVC đổi giấy phép lái xe cấp độ 3; cấp giấy phép lái xe quốc tế cấp độ 4. Vì vậy, người dân có thể ngồi tại nhà xin cấp giấy phép lái xe quốc tế và được trả tại nhà... 

Còn Cục phó Cục Thương mại và Kinh tế số, Bộ Công Thương Nguyễn Thế Quang khẳng định, đơn vị đưa vào dịch vụ công khuyến mãi vì thời gian qua có nhiều phản ánh của doanh nghiệp khi phải làm thủ tục khác nhau ở các tỉnh. Qua CDVCQG, quy trình, hồ sơ, giải pháp sẽ được thống nhất, hạn chế tối đa việc gặp trực tiếp cán bộ làm hồ sơ với doanh nghiệp.

CDVCQG bao gồm 6 cấu phần chính là cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan TTHC; nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các CDVC cấp Bộ, tỉnh; nền tảng thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các DVC trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ. 

CDVCQG cung cấp 7 chức năng chính, trong đó có chức năng đăng nhập 1 lần, sử dụng 1 tài khoản của CDVCQH để đăng nhập CDVC của Bộ, của địa phương; tra cứu về thông tin TTHC, DVC của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc; theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết TTHC, DVC...

Tại thời điểm khai trương, CDVCGQ sẽ cung cấp các DVC, bao gồm 5 DVC thực hiện tại 63 tỉnh, thành là đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện; 4 DVC thực hiện tại cấp Bộ là cấp Giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử với doanh nghiệp.

Đọc thêm