Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm

(PLO) - Hôm qua (5/9), tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các thành viên đã thảo luận về Báo cáo phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 của Chính phủ.
Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, gồm cả cán bộ cao cấp

Theo Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017 được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn trình bày tại phiên họp, trong năm 2016, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 1.113.422, trong đó 77 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2017 có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật. “Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận”, ông Huẩn cho hay.

Báo cáo cũng cho biết, qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.

Thu hồi 8.132 tỷ đồng vi phạm

Vẫn theo Báo cáo, trong năm 2017, ngành Thanh tra đã triển khai 5.065 cuộc thanh tra hành chính và 190.303 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 34.222 tỷ đồng, 5.803ha đất; kiến nghị thu hồi 19.521 tỷ đồng và trên 5.000ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 14.701 tỷ đồng, 729ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.581 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành trên 118.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 3.180 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ, 176 đối tượng; tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 2.977 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 8.132 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 59.5%), 119ha đất. 

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 288.008 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với 168.310 vụ việc; có 3.941 đoàn đông người; đã giải quyết 17.903 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ trên 90%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 42 tỷ đồng, 19ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 202 người; chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 04 đối tượng.

Đánh giá chung, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, công tác PCTN trong năm 2017 đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian làm thủ tục, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

“Tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công”, ông Huẩn nói.

Song, báo cáo cũng cho rằng tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm. Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong PCTN, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân, có tác dụng răn đe rõ rệt; vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia PCTN.

Một trong những biện pháp được Chính phủ đề nghị là “hoàn chỉnh dự án luật PCTN sửa đổi, Luật Tố cáo sửa đổi trình Quốc hội khóa XIV, xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch”. Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm sẽ tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ…

Thẩm tra bước đầu báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự hiệu quả. Ông Cường chỉ ra rằng biện pháp kiểm soát tài sản hiệu quả thấp, số lượng bản kê khai tài sản nhiều nhưng số lượng phải xác minh, số đối tượng bị xem xét trách nhiệm vì kê khai không trung thực rất ít, còn những trường hợp gây hoài nghi trong dư luận. Việc tặng quà, lợi dụng tặng quà để hối lộ cũng vẫn chưa kiểm soát được.

Đọc thêm