Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn mùa bão

(PLO) - Những năm qua, Tiểu đoàn công binh 17 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) đã làm tốt mọi công tác huấn luyện, chuẩn bị, thực hiện nhiệm vụ trực phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn bảo đảm cơ động nhanh, ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra.
Đội hình xe xích lội nước huấn luyện thực hành vượt sông
Đội hình xe xích lội nước huấn luyện thực hành vượt sông

Gặp chúng tôi tại khu kỹ thuật của Tiểu đoàn khi cơn mưa chiều vừa ngớt, Trung tá Lê Ngọc Giang - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17 - chia sẻ: “Mùa mưa năm nay đến sớm, đơn vị đang tích cực huấn luyện, làm tốt mọi công tác chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ trực phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; mặc dù là nhiệm vụ thường xuyên nhưng mỗi năm, yêu cầu lại cao hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sỹ cần chủ động, chuẩn bị chu đáo toàn diện mọi mặt và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra”.

Tìm hiểu được biết, Tiểu đoàn có một Đại đội công binh vượt sông, năm nào cũng vậy, khi Tây Nguyên chuyển mùa đơn vị lại chủ động làm công tác chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ. Giữa câu chuyện, bất chợt vang lên tiếng còi và tiếng hô khẩn trương: “Đại đội 1, báo động di chuyển”. Quan sát thấy bộ đội đã nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ ba lô, quân tư trang cá nhân, vật chất hậu cần và cơ động tập trung tại khu kỹ thuật, Đại đội trưởng Đại đội công binh vượt sông - Đại úy Phạm Mạnh Hùng - ra lệnh: “Nổ máy”. Hai chiếc xe xích lội nước, hai xe Zin-157 chở hai ca nô đã sẵn sàng cơ động đến vị trí thực hiện nhiệm vụ.

Lau nhanh những giọt mồ hôi sau khi kết thúc phương án tập, Đại úy Phạm Mạnh Hùng chia sẻ: “Đơn vị đang chủ động luyện tập phương án cơ động phòng chống lụt bão. Chuẩn bị đầy đủ vật chất là một phần, phần quan trọng nữa là phải cơ động thật nhanh đến vị trí có tình huống xảy ra, muốn vậy đơn vị phải thường xuyên huấn luyện, luyện tập phương án cơ động, tránh bị động bất ngờ”.

Ngoài việc tích cực chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, luyện tập phương án cơ động, Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, trực phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn của Đảng ủy còn xác định khâu then chốt là chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho mỗi cán bộ, chiến sỹ.

Trung tá Lê Ngọc Giang cho biết thêm: “Cần phải xác định cho mọi cán bộ, chiến sỹ nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân nên mỗi cán bộ, chiến sỹ phải luôn giữ được tâm lý vững vàng trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. Muốn vậy, phải nắm thật chắc tư tưởng chỉ đạo, phương châm và khu vực đảm nhiệm khi cơ động thực hiện nhiệm vụ”.

Trong giờ nghỉ giải lao, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã chia sẻ một kỷ niệm rất đáng nhớ. Cuối tháng 9/2009, khi “siêu bão” số 9 đổ bộ vào miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ trong vòng nửa tháng, Tiểu đoàn Công binh 17 đã nhanh chóng cơ động, làm nhiệm vụ chuyên chở hàng trăm lượt người dân ra khỏi vùng lũ tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), Ayun Pa (Gia Lai), Rát-ta-na-ki-ri (Campuchia), bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện kỹ thuật.

Để đạt được kết quả đó, chính công tác chuẩn bị, những bài huấn luyện phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn thường ngày trong điều kiện khó khăn đã phát huy tác dụng tốt, giúp cán bộ, chiến sĩ đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao…

Đọc thêm