Hướng về y tế biển đảo...!

(PLO) - Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có tới 40% dân số nước ta sinh sống tại các vùng biển đảo. Để chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân tại các khu vực này, giúp người dân yên tâm bám biển, giữ gìn an ninh Tổ quốc..., Đề án “Phát triển Y tế biển đảo” đã được triển khai.
Chăm sóc sức khỏe ở Bệnh xá Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Nam
Chăm sóc sức khỏe ở Bệnh xá Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Nam
Đây cũng là nội dung chính của buổi tọa đàm trực tuyến “Y tế biển đảo phát triển bền vững, hiệu quả” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/7 tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, Đề án “Phát triển Y tế biển đảo” đã đạt được những kết quả khả quan… Tuy nhiên, do đặc thù biển đảo khác với đất liền, vì thế trong thời gian tới, theo ông Tuấn, cần phải tiếp tục củng cố về mặt tổ chức, xây dựng mô hình khám chữa bệnh (KCB) cho phù hợp…. 
Hiện vẫn có không ít địa phương còn ỷ lại vào ngành y tế; công tác chăm sóc sức khỏe người dân và chính sách y tế (hướng dẫn chi trả, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại các khu vực biển đảo) vẫn chưa thật sự phù hợp nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT vẫn rất thấp (chỉ đạt 60%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước, thậm chí nhiều xã đảo chỉ đạt  50%); Thông tư 08 về kết hợp quân, dân y còn chưa cụ thể, nhiều bất cập, cần điều chỉnh và sửa đổi…
Quân, dân y kết hợp…!
Để tiếp tục triển khai Đề án có hiệu quả, trong thời gian tới, ông Tuấn cho hay Bộ Y tế đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển đảo. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ chủ trì xây dựng và ban hành Quy chế phối kết hợp giữa các Bộ, ngành trong hoạt động này và nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cấp cứu quân, dân y. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã đồng ý chi ngân sách để cấp thẻ cho 100% dân số các vùng biển đảo, dự kiến sẽ thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2015. 
Cùng với Bộ Y tế, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cũng cho hay, để nhân dân sinh sống ở các khu vực này yên tâm bám biển, không chỉ đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho lực lượng quân đội, Cục Quân y cũng đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho những người dân trong khu vực; các mô hình bệnh viện quân y, bệnh xá quân y… cũng ra đời và bước đầu hoạt động hiệu quả... 
Tuy còn nhiều khó khăn về phương tiện cũng như cơ sở vật chất, thuốc men nhưng ông Bình cho hay, Cục Quân y vẫn chỉ đạo các cơ sở trực thuộc điều trị miễn phí cho nhân dân. Tuy nhiên, thực tế người dân các vùng biển đảo vẫn chưa thực sự chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe, do đó việc nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này, nhất là việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, là rất quan trọng. 
Để hạn chế thấp nhất các ca tử vong do thiếu kiến thức trong việc sơ cấp cứu cho ngư dân khi gặp nạn, ông Bình cho hay, Cục đã tiến hành nhiều cuộc truyền thông lưu động cho ngư dân về kiến thức sơ cấp cứu, nhất là cấp cứu cho các trường hợp mà họ hay gặp như dị ứng, đuối nước…
Tất cả cùng chung tay, góp sức…
Đề cập đến vấn đề tai nạn trên biển, ông Nguyễn Trường Sơn - Viện trưởng Viện Y học Biển (Bộ Y tế) lo ngại cho biết, lĩnh vực này vẫn tồn tại rất nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt phải kể đến sự mê tín dị đoan. 
Thực tế, ông Sơn cho hay, nhiều người dân cho rằng việc mang phao cứu sinh khi đi biển sẽ mang đến tai họa nên không quan tâm đến việc này. Ngoài ra, họ cũng không mấy quan tâm đến việc mang theo thuốc đi ra biển. Qua điều tra, hầu hết các tàu cá gần bờ (khoảng 100 chiếc), xa bờ (200 chiếc) không hề có tủ thuốc cấp cứu, vì thế khi có tai nạn hoặc ốm đau bất thường xảy ra trên biển không biết xử trí thế nào. 
“Đó không chỉ bắt nguồn từ sự thiếu nhận thức của bản thân các ngư dân mà còn  do sự thiếu quan tâm của các chủ tàu,  thuyền trên biển” – ông Sơn khẳng định. 
Viện Y học Biển đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tiến hành truyền thông cho ngư dân, chủ tàu trên biển tại một số địa phương, kết quả rất tốt và sẽ nhân rộng mô hình với hy vọng nâng cao hơn nhận thức của người dân về vấn đề này; cùng với đó Viện cũng kêu gọi đầu tư và tài trợ cho công tác KCB cho ngư dân trên biển, trước tiên là các tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ (những ngày đầu phát động hàng trăm tủ thuốc được doanh nghiệp ủng hộ, thông qua Bộ Y tế chuyển tới các địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi…). 
Tư vấn y tế từ xa cũng đã được triển khai nhưng rất ít đơn vị thực hiện, hoặc chỉ triển khai chiếu lệ, vì vậy Viện Y học Biển đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp triển khai tất cả các tàu thuyền để nâng cao hơn hiệu quả của công tác này (kiểm tra an toàn cho tàu biển trên thế giới, Việt Nam là 1/10 nước có tỷ lệ tàu biển không đảm bảo an toàn).
Trước quan ngại và ý kiến cho rằng số lượng cán bộ y tế tại các vùng biển đảo vẫn chưa đáp ứng, ông Phạm Lê Tuấn cho biết, khi triển khai Đề án, Bộ Y tế đã khảo sát tình hình KCB ở nhiều cơ sở, kết quả cho thấy cán bộ y tế tại các khu vực này không phải là thiếu mà do không biết kết hợp với nhau mà thôi. (VD: Khảo sát tại huyện đảo Phú Quý, có tới 08 cán bộ y tế của các lực lượng khác nhau). 
Trong thời gian tới, bên cạnh việc củng cố y tế dự phòng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng công tác KCB tại các vùng biển đảo phải được nâng cao hơn, nhất là trong khâu vận chuyển cấp cứu… Cùng với đó, Bộ Y tế đã triển khai đưa bác sỹ trẻ về vùng sâu, vùng xa, hải đảo tại 62 huyện nghèo…; tăng cường hơn nữa năng lực cấp cứu trên biển, xúc tiến xây dựng các trung tâm cấp cứu ven biển để tiếp nhận các ca cấp cứu từ biển chuyển vào; thậm chí, trong tương lai sẽ có cả một lực lượng cấp cứu chuyên biệt, với các phương tiện đủ mạnh để tiến hành hoạt động KCB cho người dân các khu vực biển, đảo… 
Với sự quan tâm và những tình cảm đó, chắc chắn những cư dân, cán bộ y tế nơi đây sẽ yên lòng hơn khi bám biển, các chiến sỹ sẽ giữ chắc tay súng giữ gìn sự bình yên cho quê hương và đất nước…

Đọc thêm