Huy động nguồn lực ODA: Vẫn manh mún và chưa có trọng tâm, trọng điểm

(PLO) - Tiếp tục Phiên họp thứ 26, chiều qua (9/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) giai đoạn 2011 - 2016.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 26. Ảnh: quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 26. Ảnh: quochoi.vn

Theo nhận định của Đoàn giám sát, các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhưng còn không ít hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng vốn, trong đó, việc huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược mang tính căn cơ, hiệu quả, chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm...

Từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua, có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn. Một số dự án có thời gian vận động, thu hút nhà tài trợ kéo dài từ 3-5 năm làm mất tính cấp thiết, lạc hậu về công nghệ.

Về nguyên nhân của những hạn chế, Đoàn giám sát nhận định, nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA trong một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, phần nào do quan niệm rằng nguồn vốn tài trợ là "cho không", việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi. Các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quyết liệt, chủ động trong quá trình triển khai, vẫn còn tư tưởng “ỷ lại, trông chờ” nguồn vốn ODA và vay ưu đãi do ngân sách TƯ cấp phát và chờ vốn đối ứng ngân sách TƯ bổ sung.

Với Chính phủ, Đoàn giám sát nhận định, là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nợ công, song quản lý, điều hành của Chính phủ còn thiếu thống nhất đầu mối ở khâu đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ; chưa kịp thời đề xuất sửa đổi các quy định của luật để sớm khắc phục hạn chế trong tổ chức thực hiện. Một số dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn còn xảy ra tình trạng để thất thoát, mất vốn, khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Đọc thêm