Huyền thoại “Mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng”

Chiến tranh đã lùi xa 37 năm, nhưng mỗi lần về lại vùng quê Hòa Đồng (huyện Tây Hòa, Phú Yên) nhiều cán bộ, đảng viên và người dân vẫn thường nhắc đến hình ảnh những “đội quân tóc dài” năm xưa nổi dậy đấu tranh phá ấp chiến lược, chặn đứng nhiều cuộc càn quét của địch, mở rộng vùng giải phóng mà nổi bật là hình ảnh bà mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng…

Chiến tranh đã lùi xa 37 năm, nhưng mỗi lần về lại vùng quê Hòa Đồng (huyện Tây Hòa, Phú Yên) nhiều cán bộ, đảng viên và người dân vẫn thường nhắc đến hình ảnh những “đội quân tóc dài” năm xưa nổi dậy đấu tranh phá ấp chiến lược, chặn đứng nhiều cuộc càn quét của địch, mở rộng vùng giải phóng mà nổi bật là hình ảnh bà mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng…

Biểu tượng đội quân tóc dài ở xã Hòa Đồng năm xưa
Biểu tượng đội quân tóc dài ở xã Hòa Đồng năm xưa

Trên đường đưa tôi đến ấp Rượu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng – anh Mai Ne - tâm sự: “Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ấp Rượu thuộc thôn Phú Phong là “vùng đỏ” do người dân làm chủ từ phong trào đồng khởi, nên địch mở chiến dịch “Hải Yến” dồn dân, lập ấp chiến lược, xây dựng chính quyền từ mạng lưới liên gia, ấp trưởng, mật vụ… để kiểm soát gắt gao, tạo vành đai trắng ngăn chặn mối quan hệ giữa người dân với cách mạng. Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Tuy Hòa 1 lúc bây giờ, người dân nổi dậy phá tan ấp chiến lược từ cuối năm 1963, làm chủ quê hương”.

Từ đầu xuân 1964, địch mở nhiều cuộc phản kích với quy mô lớn dần, nên Huyện ủy Tuy Hòa 1 ra nghị quyết “ly sơn”, điều cán bộ chủ chốt ở Hòa Đồng rời núi, về làng chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị và binh vận hỗ trợ bộ đội đánh địch theo phương châm “Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội và du kích bám địch để đánh”.

Lần đầu tiên vào ngày 26/7/1964, một cuộc càn quét lớn chưa từng có với sự yểm trợ của máy bay, xe tăng và pháo binh đã được phía địch triển khai từ sáng sớm. Bom đạn dội xuống xóm làng đổ nát tan hoang, nhưng một trung đội đi đầu cuộc càn quét này đã bị đại đội 377 huyện đội Tuy Hòa 1 tiêu diệt tại thôn Phú Phong.

Địch vất vả lắm mới đưa được gã thiếu úy, đại đội trưởng đến Gò Bướm để máy bay trực thăng đáp xuống bốc xác và chuyển tải đám lính bị thương. Điên cuồng, nên ngày hôm sau địch huy động máy bay, xe tăng M.113 ném bom đạn, càn phá thôn xóm, ruộng đồng các xã phía tây huyện Tuy Hòa 1.

Khoảng 7h30’ sáng ngày 28/7/1964, đoàn xe tăng M.113 gồm 6 chiếc lầm lì tiến vào ấp Rượu. Nhìn đồng ruộng đang xanh mướt bị bánh xích xe tăng cày nát, người dân uất ức căm thù vì mất bát cơm. Trong số những người đứng bên cánh đồng đang bị tàn phá, một phụ nữ tóc điểm bạc bước xuống ruộng đi về phía đoàn xe tăng đang tiến tới. Đó là bà Ngô Thị Kính, sinh năm 1901, trú ở ấp Rượu, thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng; lập tức nhiều người trong làng bám theo hỗ trợ đấu tranh. 

Di ảnh cụ Ngô Thị Kính - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cũng là
Di ảnh cụ Ngô Thị Kính - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cũng là "Mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng" năm xưa

Có gã lính nhấn ga xe tăng gầm rú đe dọa tinh thần mẹ Kính bất thành, nên kích động đồng bọn nã đạn xuống ruộng để mở đường, nhưng “đội quân tóc dài” vẫn kiên cường vây chặn đoàn xe tăng. Một sĩ quan chỉ huy của địch lớn tiếng với mẹ Kính: “Bà muốn chết hay Việt Cộng xúi bà chặn xe tăng?”. Mẹ Kính điềm tĩnh trả lời: “Không có Việt Cộng nào xúi cả. Tại sao các ông lại cho xe tăng giẫm nát lúa của đồng bào?”.

Gã sĩ quan không trả lời câu hỏi của mẹ Kính mà cố vặn vẹo: “Bà không đi theo Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, mà ở lại làng để tiếp tay cho Việt Cộng phải không?”. Mẹ Kính kiên trì đấu tranh mềm dẻo: “Tui già rồi còn liên lạc, tiếp tế cho ai được nữa. Bỏ nhà cửa ở đây đi theo các ông vô ấp, bị nhốt như con heo, con bò làm sao tui với bà con sống nổi”. Thật bất ngờ khi gã sĩ quan chỉ huy chắp tay lạy mẹ Kính và nói: “Con lạy bà ngoại, bà về đi, tụi con làm theo lệnh cấp trên. Việt Cộng đánh dữ quá, tụi con phải băng đồng để tiếp viện”.

Biết địch đã thất lý, mẹ Kính tiếp tục đấu tranh: “Xe pháo có đường đi. Ruộng lúa của đồng bào không được phá. Các ông có giỏi cứ đạp lên thân già này mà đi”. Thấy bất lợi, gã sĩ quan chỉ huy ra hiệu cho đoàn xe tăng rút lui theo lối mòn đã cày phá. Trong điều kiện thiếu vũ khí, sự kiện “mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng” của địch đã giải mã cho cuộc đấu tranh chính trị và là bài học kinh nghiệm của huyện Tuy Hòa 1. Cùng từ đó cho đến cuối tháng 8/1964, phụ nữ ba xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh đã 28 lần chặn đứng đường tiến quân địch bằng xe tăng M.113 trong 11 cuộc càn quét.

Ông Huỳnh Kim Chúc bên mộ bà nội của mình - Cụ Ngô Thị Kính
Ông Huỳnh Kim Chúc bên mộ bà nội của mình - Cụ Ngô Thị Kính

Đến ấp Rượu khi cụ Ngô Thị Kính đã đi xa 40 năm, xóm làng đã thay da đổi thịt sau gần 37 năm hòa bình, ổn định và phát triển. Người cháu đích tôn của cụ Kính là Huỳnh Kim Chúc ông lắc đầu bày tỏ rất thật lòng: “Chiến tranh ác liệt khi tui còn nhỏ nên không biết gì nhiều về bà nội ngoài tấm bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng của Chủ tịch nước truy tặng cho nội”.

Sáng hôm sau, chúng tôi dò một đoạn đường Nguyễn Tất Thành, phường 2, TP Tuy Hòa mới tìm gặp được người con gái út của “mẹ Hòa Đồng”. Đã bước sang tuổi 84, bà Huỳnh Thị Lý cùng chồng là Lê Bá Thành kể lại: “Cha tui là Huỳnh Điều, quê ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình. Sau khi lấy mẹ tui, ông về ấp Rượu sinh sống. Thời đó nhà nào giàu con cái được coi là phúc đức, nên ở ấp Rượu có nhiều gia đình năm, bảy người con. Má tui sinh cả thảy 11 người con, nhưng 4 người mất khi còn nhỏ. Anh cả tui là Huỳnh Kim Tấn hoạt động bí mật ở cơ sở, ba anh em nữa là Huỳnh Ngọc Anh, Huỳnh Tấn Tú và Huỳnh Kim Trung thoát ly chiến đấu và đã lần lượt hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ ”.

Ngừng một lát, bà Lý kể tiếp: “Thời đó, ngoài 6 mẫu ruộng hương hỏa từ đường, ba má tui còn mua thêm mấy mẫu nữa ở đồng ấp Rượu. Mỗi mùa gặt lúa lên, má tui luôn dành phần để tiếp tế cho cách mạng, trong đó có mấy người anh của tui. Buổi sáng má tui chặn xe tăng, tui đang ở nhà nên không trực tiếp chứng kiến, nhưng sau này nghe bà con trong ấp kể lại má tui là người đi đầu, kiên quyết đấu lý với lính…”. Cũng theo bà Lý, cụ Kính mất vào giữa năm 1971, hưởng thọ 70 tuổi.

Vợ chồng người con gái út của cụ Kính nhớ lại kỷ niệm về người mẹ của mình
Vợ chồng người con gái út của cụ Kính nhớ lại kỷ niệm về người mẹ của mình

Sau ngày đất nước thống nhất, trong một chuyến đi thực tế ở Phú Yên, nhạc sĩ Văn Chừng đã sáng tác ca khúc “Bài ca Phú Yên” với những ca từ đề cập đến nhiều địa danh lịch sử hình ảnh cụ Ngô Thị Kính với những ca từ “Bùng lên ánh đuốc thắp sáng những đêm đồng khởi từ Hòa Thịnh. Mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng, góp phần nên chiến thắng. Quân ta náo nức tiến về giải phóng quê hương…”.

Bên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở xã Hòa Đồng có bức tượng người phụ nữ đại diện đội quân tóc dài đưa cánh tay lên thể hiện khí phách kiên cường. Bức tượng đó được coi là nguyên mẫu cụ Ngô Thị Kính năm xưa.

“Mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng” đã về cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi của mẹ vẫn sống mãi với trong lòng thế hệ cháu con hôm nay và mai sau. Bên ngôi mộ cụ Kính trước thềm xuân Nhâm Thìn, chúng tôi xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ và tri ân người mẹ đã lập nên chiến công huyền thoại năm xưa…

Phan Việt Tường

Đọc thêm