Hy vọng mới từ quyết tâm của lãnh đạo Quảng Bình

(PLO) - Tỉnh Quảng Bình vừa có chủ trương sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu (NĐĐ) và cấp phó của NĐĐ nếu để cơ quan xảy ra nhiều bê bối, tiêu cực tuỳ theo từng mức độ từ khiển trách, phê bình đến điều chuyển công tác hoặc yêu cầu thôi giữ trách nhiệm. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Lâu nay cơ chế quản lý, điều hành ở nước ta là dân chủ, tập trung. Mọi việc đều được bàn bạc tập thể từ cấp uỷ đến ban điều hành, có khi còn mở rộng thêm cả những tổ chức quần chúng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ. Đó là dân chủ.

Không ít nơi ở không ít vấn đề còn được trưng cầu thêm ý kiến của tất thảy các thành viên trong cơ quan, tổ chức. Sự mở rộng này bảo đảm có được sự đóng góp của nhiều bộ óc, trí tuệ. Nhưng quyết định cuối cùng thì phải tập trung vào quyền của người thủ trưởng. Cơ chế tập trung dân chủ này đương nhiên là ưu việt.

Tuy nhiên, trong thực tế từng xảy ra hiện tượng khá phổ biến là cơ chế trên được thực hiện còn nửa vời nghĩa là dân chủ chưa ra dân chủ, tập trung cũng không ra tập trung. Không ít nơi bàn bạc mang tính dân chủ còn chiếu lệ, bày vẽ cho “phải phép”, thiếu thực chất, chỉ như một sự đối phó. Còn tập trung thì cũng chưa hoàn toàn đạt được bởi người thủ trưởng không có thực quyền.

Chủ trương của tỉnh Quảng Bình rõ ràng là rất tích cực vì đã ràng buộc thêm trách nhiệm của NĐĐ, khiến họ phải phát huy cao nhất ý thức về vai trò, phận sự của mình. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nhức nhối bởi quốc nạn tham nhũng. Cả một hệ thống chính trị đã vào cuộc để bài trừ, nhưng kết quả thu được chưa mấy khả quan.

Quyết tâm của chúng ta thì có thừa, nhưng vì sao chưa thể đẩy lùi, thậm chí hiện trạng có chiều hướng mỗi ngày một trầm trọng hơn? Câu trả lời không khó. Đó là sự liên kết quá chặt chẽ của các nhóm lợi ích mà không dễ gì ngay một lúc có thể phá vỡ. Chỉ xin nói một việc vẫn xảy ra thường ngày ở hai thành phố lớn nhất nước ta - Hà Nội và TP.HCM - là vỉa hè bị lấn chiếm, không có chỗ cho người đi bộ, gây lộn xộn, mất mỹ quan đô thị. Trong rất nhiều năm qua, chính quyền hai thành phố này từng có đến cả trăm lần mở những đợt ra quân mong lập lại trật tự nhưng không thể vãn hồi triệt để.

Ở đây đã có sự phớt lờ, cao hơn là sự tiếp tay của những người thực thi cụ thể. Có nơi, nhân viên đi dẹp vỉa hè đã ngầm thông báo trước với dân kinh doanh kế hoạch, ngày giờ cụ thể diễn ra việc truy quét để đối phó. Có người buôn bán ở vỉa hè từng trả lời phóng viên truyền hình là mỗi tháng phải nộp cho “nhà chức trách” một khoản tiền cố định để được thoải mái lấn chiếm kinh doanh. Khoản “thuế” đi đêm này không ít, có khi còn nhiều hơn cả thuế chính thức.

Chuyện vỉa hè bị lấn chiếm nói trên chỉ là một trong trăm ngàn hiện tượng tiêu cực khác đang còn phổ biến trong xã hội. Ở đây, cụm từ “buông lỏng quản lý” chúng ta vẫn thường dùng đã không hoàn toàn chính xác, bởi từ này chỉ đúng trong những trường hợp cấp trên lơ là, tắc trách, không đôn đốc cấp dưới thực thi nghiêm công vụ. Còn khi cố tình làm ngơ để cấp dưới làm sai mong vụ lợi rồi chung hưởng món lợi không chính đáng đó thì chỉ có một cụm từ cực kỳ chính xác là “nhóm lợi ích”.

Tỉnh Quảng Bình đã thể hiện quyết tâm cao trong việc cải cách hành chính, mong đem lại luồng sinh khí mới trong các công sở nhằm chặn đứng các tệ nạn tiêu cực. Dẫu muộn nhưng rõ ràng còn hơn là trì hoãn. Chống tiêu cực trong bộ máy công quyền không bao giờ là muộn.

Đọc thêm