Kết thúc Dự án đưa trí thức trẻ về các xã nghèo: Còn ngổn ngang trăn trở

(PLO) - Việc đưa trí thức trẻ về các địa phương là một bước đột phá. Đây là chính sách không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết trước mắt mà còn mang tính lâu dài. Và thực tế trong những năm vừa qua, các trí thức trẻ đã góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương, làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm tại các địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên vẫn còn không ít những trăn trở của không chỉ người trong cuộc.
Những trí thức trẻ đang hướng dẫn người dân chăm sóc, nâng cao năng suất rau xanh.
Những trí thức trẻ đang hướng dẫn người dân chăm sóc, nâng cao năng suất rau xanh.

Để làm rõ nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục, cũng như đánh giá công tác triển khai sau 5 năm thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (Dự án), ngày 29/8, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm này.

Chưa tin tưởng đội viên 

Tính đến 30/6/2017, có 564 đội viên đủ điều kiện để bố trí công tác sau khi kết thúc dự án, có 4 đội viên không có nguyện vọng tiếp tục công tác tại địa phương. Đến nay, sau khi kết thúc dự án, các tỉnh đã bố trí công tác được 412/560 đội viên, trong đó có 217 đội viên được bố trí làm công chức cấp xã; 13 đội viên được bố trí làm Chủ tịch UBND xã; 17 đội viên được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn xã; 68 đội viên  tiếp tục được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã; 86 đội viên được bố trí công tác tại các phòng, ban chuyên môn ở cấp huyện; 11 đội viên được bố trí công tác tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Dự án trên, các ấp ủy, chính quyền địa phương rất ủng hộ và đồng thuận chủ trương của Đảng và Nhà nước; coi đây là nguồn nhân lực trẻ để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa -xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân  dân. 

“Các đội viên đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, qua đó bản thân các đội viên cũng  nâng cao được phẩm chất và năng lực công tác, đa số đội viên đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định.

Cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh cũng đã quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng, rèn luyện và phấn đấu để đội viên Dự án trở thành đảng viên. Đến nay đã có 538/560 (chiếm 96,1%) đội viên Dự án là đảng viên; các đội viên còn lại đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế. Đó là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội viên Dự án ở một số nơi chưa được coi trọng nên ngay từ khi đội viên về xã, cấp ủy, chính quyền xã chưa quan tâm và bố trí cán bộ có năng lực theo dõi, giúp đỡ; đồng thời chưa tin tưởng và mạnh dạn đưa đội viên vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của địa phương; một số tiêu chí tuyển chọn đội viên còn chưa sát với yêu cầu thực tế ở cơ sở… 

Trong khi đó, một số đội viên Dự án chưa chủ động trong việc tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội; còn thụ động trong việc lãnh đạo, điều hành công việc chuyên môn được phân công.

Khó khăn trong việc bố trí theo quy hoạch

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân đáng chú ý là một số nơi vẫn còn tình trạng cục bộ địa phương trong việc tiếp nhận đội viên Dự án về công tác, như đòi hỏi đội viên phải là người địa phương, đáp ứng ngay được việc chỉ đạo, điều hành như đối với những cán bộ xã có nhiều năm kinh nghiệm. Có địa phương chưa chủ động trong công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn biên chế ngay từ khi thực hiện công tác quy hoạch làm cơ sở bố trí đội viên sau khi kết thúc Dự án nên gặp không ít khó khăn, lúng túng…

“Về cơ bản, cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã thực hiện tốt công tác quy hoạch đội viên Dự án làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện  của các vị trí chức danh. Tuy nhiên, kết quả thực hiện công tác quy hoạch còn hạn chế, đến thời điểm kết thúc Dự án, chỉ có 83/560 (chiếm 14,82%) đội viên được bố trí theo quy hoạch. Kết quả thực hiện công tác quy hoạch như trên đã ảnh hưởng đến việc bố trí sử dụng đội viên sau khi kết thúc Dự án”- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết.

Cùng quan điểm trên, đại diện UBND tỉnh cao Bằng cho rằng, do công tác tuyển chọn ban đầu không có quy định giới hạn chuyên ngành cụ thể nên việc bố trí theo vị trí việc làm sau khi tuyển chọn và sau khi kết thúc Dự án đang gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao sự cống hiến, nhiệt huyết và dấn thân phục vụ nhân dân, cống hiến cho đất nước của gần 600 trí thức trẻ ưu tú đã xung phong về các xã nghèo thuộc 64 huyện nghèo nhất cả nước trong suốt 5 năm qua. Phó Thủ tướng cho rằng Dự án này đã tạo ra cơ hội để trí thức trẻ có môi trường rèn luyện, trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành, góp phần trẻ hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, còn gần 40% đội viên dự án bố trí làm công chức chuyên môn ở cấp xã; một số đội viên còn thiếu kinh nghiệm trong xử lý công việc… đó là những trăn trở không nhỏ.

Chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng tới các đội viên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Thủ tướng quan tâm, đánh giá cao kết quả đạt được của các đội viên thời gian qua và mong các trí thức trẻ tiếp tục phát huy thành quả đạt được, cống hiến nhiều hơn nữa, xung phong về các xã khó khăn của các huyện nghèo để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương, tạo lực mới cho các vùng khó khăn trong thời gian tới. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình: Phải tin tưởng, mạnh dạn bố trí công việc cho trí thức trẻ

Khi đã lựa chọn được cán bộ thì cần phải bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, kiến thức về kinh tế - xã hội, văn hoá, phong tục cần thiết để trí thức trẻ có thể phát huy được năng lực trong môi trường công tác, hoà nhập tốt với địa phương, hiểu biết thấu đáo các vấn đề của địa phương để tham mưu, điều hành công việc. Các sáng kiến của tri thức trẻ cần phải được trân trọng, biến thành hiện thực nếu có tính khả thi.

Bên cạnh đó, những trí thức trẻ phải được tin tưởng, mạnh dạn bố trí công việc, theo dõi kèm cặp, phải giải được bài toán đầu ra. Thông báo số 06 của Bộ Chính trị có nêu là ưu tiên biên chế cho số cán bộ trẻ này, nếu hết rồi thì giải quyết theo bài toán “hai người ra, một người vào” như quy định. Nếu vẫn không còn biên chế thì tỉnh cần đề xuất để Trung ương xem xét, giải quyết.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi: Cần quan tâm đến chất lượng đào tạo đội viên

Để công tác tuyển chọn cán bộ trẻ đưa về các xã khó khăn thực sự phát huy hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị cần chú trọng đến nhu cầu thực tế của địa phương, lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đào tạo mà địa phương cần để tuyển chọn cán bộ. Song song với đó, cần quan tâm đến chất lượng đào tạo đội viên, chỉ thu hút những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và sau đại học; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, nhất là việc bố trí, sắp xếp sau khi đội viên hoàn thành nhiệm vụ.

Đội viên Lê Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La: Nên có cơ chế tăng lương trước thời hạn

Trong quá trình công tác tại xã, bản thân tôi luôn suy nghĩ, trăn trở tìm những giải pháp giúp nhân dân thực hiện cải tiến phát triển sản xuất, như chuyển đổi các giống vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao; thay đổi hình thức tổ chức sản xuất… Đến nay, sau khi áp dụng phương pháp sản xuất mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, bắt đầu xuất hiện một số hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.

Tôi kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho các đội viên về chính sách nhà ở, trang bị các thiết bị cần thiết phục vụ công việc; có cơ chế tăng lương trước thời hạn khi kết thúc Dự án đối với những đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Đội viên Hoàng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng huyện ủy Ba Bể, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn:

Tôi thấy rằng các xã đặc biệt khó khăn còn thiếu cán bộ lãnh đạo có năng lực để giúp xã phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường  cán bộ trẻ có năng lực, trình độ, chuyên môn về xã công tác và giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của xã. Tuy nhiên, đối tượng tăng cường về xã nên tuyển chọn các đồng chí đã là cán bộ, công chức trẻ cấp huyện, tỉnh. Vì các đồng chí này đã có thời gian tham gia công tác, ít nhiều đã có kinh nghiệm và có mối quan hệ công tác đối với các cơ quan chuyên môn cấp huyện, tỉnh; điều này sẽ giúp xã nhiều hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Đồng thời tuyển chọn các đồng chí này sẽ không làm tăng biên chế trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, điều này cũng phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay.

Đọc thêm