Khắc phục tình trạng cào bằng trong bố trí cán bộ

(PLVN) -Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Nội vụ diễn ra hôm nay (16/7), có ý kiến đề xuất bố trí tối thiểu 06 công chức/phòng trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; đối với phòng, ban chuyên môn thuộc Chi cục cần tối thiểu 5 biên chế/phòng, khắc phục tình trạng cào bằng như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị.

9 tháng, tinh giản biên chế hơn 1.000 người

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh cho biết, thời gian qua toàn ngành Nội vụ đã chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và đạt được những kết quả tích cực. 

Triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước đi vào nền nếp. Đến nay đã có 36 cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo Kết luận số 202-TB/TW của Bộ Chính trị.

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cũng cho biết, từ năm 2015 đến 30/6/2019, Bộ Nội vụ đã thẩm tra, tinh giản biên chế với số lượng 41.515 người. Trong đó, từ tháng 10/2018 đến 30/6/2019 là 1.015 người, bao gồm: Cơ quan đoàn thể đảng 1 người, cơ quan hành chính: 22 người, đơn vị sự nghiệp công lập: 285 người, cán bộ công chức xã: 57 người, số còn lại thuộc hợp đồng lao động chiếm cao nhất là 650 người. 

Theo báo cáo của 61 địa phương, đến nay đã có 20/713 huyện và 623/11.162 xã thuộc diện phải sắp xếp theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, toàn ngành Nội vụ đang tập trung tham mưu thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm đảm kịp tổ chức Đại hội Đảng ở cấp huyện, cấp xã trong năm 2020. Các địa phương đã chủ động tham mưu triển khai các văn bản của Trung ương về công tác xây dựng chính quyền địa phương, quản lý địa giới hành chính các cấp; tập trung thực hiện đề án về sắp xếp, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính, nâng cấp đô thị trong địa bàn theo hướng dẫn của Trung ương; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh hướng dẫn và quản lý việc phân loại đơn vị hành chính các cấp. 

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh phát biểu.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh phát biểu.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chia sẻ những kết quả đạt được trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế … cũng như nêu lên những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. 

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân, cần quy định rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và quy định rõ cơ chế phân cấp, ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Cùng với đó, quy định bố trí tối thiểu 06 công chức/phòng trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với phòng, ban chuyên môn thuộc Chi cục cần tối thiểu 05 biên chế/ phòng. Đối với Sở có 06 đầu mối trở lên cần bố trí 03 Phó Giám đốc; Sở có 05 đầu mối trở xuống bố trí 02 Phó Giám đốc nhằm khắc phục tình trạng cào bằng như hiện nay.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ Nguyễn Hoàng Ba đề nghị Trung ương cần kịp thời xây dựng và ban hành thể chế trong lĩnh vực Nội vụ, đảm bảo cho các địa phương triển khai thực hiện thuận lợi. Ngoài ra, đối với công tác cán bộ cần quy định một cách thống nhất trong các văn bản của Đảng và Nhà nước.

Khó khăn trong giải quyết chính sách cán bộ, công chức dôi dư

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao  ý kiến của các đại biểu, đồng thời cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành Nội vụ đã tập trung vào việc xây dựng thể chế với rất nhiều văn bản trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ… và thực hiện đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực Nội vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác cán bộ và thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng chỉ ra một số hạn chế như: công tác xây dựng thể chế còn chậm so với yêu cầu; còn tình trạng xin rút, xin lùi xây dựng văn bản; chậm sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập; tiến độ giao tự chủ các đơn vị sự nghiệp còn chậm; chậm khắc phục các sai phạm trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra công vụ cũng chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn bộ phận công chức gây nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra…

Cùng với đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn khó khăn, vướng mắc; giải quyết chính sách khi sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính còn khó khăn, chính sách giải quyết dôi dư với người hoạt động không chuyên trách cấp xã cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện. Đặc biệt, công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, một số nơi chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ quan tham mưu trong lĩnh vụ Nội vụ rà soát và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác; đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ, đảm bảo đạt 100% các đơn vị được kiểm tra trong năm 2019 và khắc phục các sai phạm trong công tác cán bộ.

 Nhấn mạnh công tác tổ chức cán bộ là khâu cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tổ chức bộ máy và sinh mạng chính trị của nhiều cá nhân, do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị trong quá trình tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến chức năng quản lý nhà nước, ngành Nội vụ cần bám sát và tuân thủ các nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật. Tuyệt đối không được vận dụng chính sách, đối với các vấn đề mới phát sinh, vướng mắc chưa được giải quyết thì có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, hướng dẫn.

 Theo ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương  (Bộ Nội vụ), các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo thống kế đã có 61/63 tỉnh báo cáo việc triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Có 4 tỉnh không thuộc diện sắp xếp nhưng vẫn tiến hành sắp xếp. Có 20/713 đơn vị hành chính cấp huyện phải tiến hành sắp xếp và có 623/11.160 thuộc đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp. 

Ông Phan Văn Hùng đề nghị các địa phương cần lưu ý 3 vấn đề khi sắp xếp, đó là: làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân; sớm có phương án sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp; giải quyết tốt và thực hiện nghiêm các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp. 

Đọc thêm