Khai mạc Hội nghị kết nối kiều bào tại Nghệ An, Hà Tĩnh

(PLO) - Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương tại Nghệ An và Hà Tĩnh khai mạc sáng 27/12 với chủ đề kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển. Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.
Ông Lê Ngọc Hoa, phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Ông Lê Ngọc Hoa, phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Trong những năm qua, các hoạt động kết nối nguồn lực kiều bào với địa phương đã được triển khai thành công tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tổ chức Hội nghị “Kết nối kiều bào với địa phương” tại Nghệ An, Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại sứ Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn xem người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

“Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”, Đại sứ Lương Thanh Nghị nói.

Nhấn mạnh lần đầu tiên Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương được tổ chức tại một tỉnh miền Trung, Đại sứ Lương Thanh Nghị tin tưởng đây là cơ hội để kiều bào và các địa phương trong nước nói chung, các tỉnh Bắc Trung bộ nói riêng làm việc, kết nối giao lưu, tìm hiểu các cơ hội đầu tư kinh doanh và mang lại hiệu quả thiết thực. Về lâu dài sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung.

Hơn 350 đại biểu ở các cơ quan, hội đoàn, doanh nghiệp tham dự Hội nghị.
Hơn 350 đại biểu ở các cơ quan, hội đoàn, doanh nghiệp tham dự Hội nghị.

Theo Ủy ban NVNONN, hiện nay có 4,5 triệu NVNONN, đang sinh sống tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% sống ở các nước phát triển, trong đó có khoảng 500.000 người thuộc đội ngũ tri thức, chuyên gia.

Cùng với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển không ngừng cả về số lượng và địa bàn cư trú. Bà con kiều bào ở nước ngoài, nhất là thế hệ kiều bào thứ nhất, thứ hai đang ngày càng có cuộc sống ổn định, thành đạt ở nước ngoài và có xu hướng trở về cội nguồn, gắn bó với gia đình, dòng tộc, đóng góp xây dựng quê hương và mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh ở trong nước.

Những năm qua, kiều bào đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Tính từ năm 1993 đến năm 2018, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt 143 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về lần lượt tăng qua các năm: năm 2016 đạt 11,9 tỷ USD, năm 2017 đạt gần 13,8 tỷ USD, năm 2018 dự báo đạt 15,9 tỷ USD.

Năm 2018 trên cả nước có gần 3000 doanh nghiệp của kiều bào với số vốn đóng góp khoảng 4 tỷ USD. Trong đó nhiều kiều bào người đã trở lại quê hương làm việc, kinh doanh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ… trong tổng số 47/65 tỉnh thành. Mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt tri thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn, tham gia các chương trình hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao khoa học.

Các mạng lưới NVONN dần khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Liên hiệp Hội người Việt Nam toàn Châu Âu, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, mạng lưới Kiều bào trẻ… Đồng thời, những mạng lưới này hỗ trợ tích cực cho các doanh nhân kiều bào khi về nước đầu tư cũng như các doanh nhân trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá do cộng đồng tổ chức hay các địa điểm văn hoá, tôn giáo của người Việt ở nước ngoài, văn hoá Việt, bản sắc Việt đã được truyền tải, lan toả và giành được sự yêu mến của cộng đồng quốc tế. Vị thế và uy tín của Việt Nam một phần nhờ đó được củng cố và nâng cao.

Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN.
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN.

Về phía tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa khẳng định, Nghệ An luôn coi trọng nguồn ngoại lực từ cộng đồng doanh nghiệp kiều bào đối với sự phát triển của tỉnh và mong muốn được đón nhiều hơn nữa các doanh nhân kiều bào tìm hiểu cơ hội và lựa chọn tỉnh Nghệ An để đầu tư kinh doanh và phát triển.

Tính đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 13 dự án của các doanh nghiệp kiều bào về đầu tư tại tỉnh với tổng vốn đăng ký khoảng 6.000 tỷ đồng. Hàng năm, lượng kiều hối chuyển về tỉnh khoảng 500 triệu USD.

Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng kiều bào đông đảo nhất trong cả nước với khoảng trên 75.000 người đang sinh sống, lao động và học tập ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ngọc Thạnh, Việt kiều Canada đánh giá cao tiềm năng phát triển nông nghiệp cao tại Nghệ An. Ông ví Nghệ An như “cô gái đẹp” chưa được khai thác đúng mức. Để có được điều đó, cần thành lập ban chuyên gia để đề ra những phương án thích hợp.

Còn ông Vũ Văn Long, Hội trưởng hội người Việt tại Đài Loan góp ý kiến, nông nghiệp quan trọng là sạch. Còn nếu những vùng đất nếu trồng được cây, đừng bao giờ làm khu công nghiệp. Nếu công nghiệp ô nhiễm nặng cần mạnh dạn bỏ đi, làm cái khác để phát triển tương lai bền vững.

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 27-29/12 với các hoạt động hội thảo, giao lưu, tham quan thực tế tại một số khu công nghiệp ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hội nghị diễn ra tại TP Vinh trong 3 ngày liên tiếp.
Hội nghị diễn ra tại TP Vinh trong 3 ngày liên tiếp.

Đọc thêm