Khẩn trương ứng phó bão số 2, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc với du khách

(PLVN) - Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào TP Hải Phòng vào khoảng 4h ngày mai, 4/7. Hiện vẫn còn 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 du khách nước ngoài trên đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) chưa về đất liền.
Khẩn trương ứng phó bão số 2, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc với du khách

Sáng nay, 3/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) họp bàn giải pháp ứng phó bão số 2 (tên quốc tế là MUN). 

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, bão số 2 hiện di chuyển với tốc độ khoảng 15 km/h, dự kiến sáng 4/7, bão sẽ đổ bộ vào  khu vực Hải Phòng. Mưa tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt trong đêm ngày 3 và 47, lượng mưa ở Đồng bằng Bắc Bộ 100- 150 mm. Do mưa, tiềm ẩn lũ quét, lũ bùn, lũ ống ở các địa phương vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng Cứu hộ- Cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, còn 500 phương tiện đang di chuyển về bờ tránh trú bão. Hiện còn 1.640 du khách ở Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh).

Chỉ đạo tại cuộc họp,  Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT nhấn mạnh: "Chúng ta không chủ quan trong công tác ứng phó cơn bão này".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường:"Chúng ta tuyệt đối không chủ quan". Ảnh: Ngọc Trìu
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường:"Chúng ta tuyệt đối không chủ quan". Ảnh: Ngọc Trìu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tuyến biển cần chú ý tàu vãng lai, tàu khách du lịch để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ta. "Đề nghị Bộ Giao thông kiểm tra, thông báo cho các tàu này kể cả tàu khách", Phó trưởng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT nói.

Về nuôi trồng thủy sản ven bờ, lồng bè cần chú ý các phương án ứng phó. Hiện nay đang là mùa du lịch, các địa phương ven biển du lịch cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý các hoạt động kinh tế từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, đặc biệt là đối các công trình xây dựng cần phải có phương án đảm bảo an toàn. Riêng đối các đô thị có nguy cơ ngập úng các địa phương cần phải có phương án sẵn sàng xử lý. Tuyến đê quai tại tỉnh Thái Bình cần phải kiểm tra đề phòng.

Đối với các hồ chứa, trong đó các hồ chứa đang sửa chữa hoặc đã xuống cấp, hồ chứa thủy điện nhỏ  phải có phương án vận hành đảm bảo an toàn. Về nông nghiệp đây là giai đoạn lúa đẻ nhánh, các địa phương và các công ty thủy lợi cần chủ động phòng chống úng, tiêu thoát nước đệm. Các tỉnh miền núi phía Bắc thì cần phải đề phòng lũ quét, sạt lở đất, các bãi xỉ thải tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo báo cáo sơ bộ, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh ven biển đã phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.557 tàu cá với 229.311 người; 484 tàu du lịch; 146 tàu vận tải với 2.394 người; 5 tàu nước ngoài /82 người; 8.838 lồng bè, lều, chòi canh với 10.750 người.

Tình hình đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông tồn tại 43 vị trí đê điều xung yếu, cần quan tâm, trong đó có 27 đoạn đê (dài 43,83km) và 16 cống dưới đê xung yếu. Các công trình đang thi công dở dang: gồm 02 cống và 04 đoạn đê nâng cấp và cứng hóa mặt đê. Trong đó: Cống Quần Vinh 2 (K8+420) đê biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã thi công xong phần bê tông. Cống Muối tại K17+350 đê biển 6, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình: Đã thả cánh cống đảm bảo an toàn).

Đọc thêm