Khi ngư dân cùng chia sẻ hoạn nạn, khó khăn

(PLO) - Sau 4 năm hoạt động, Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đã cùng nhau góp tiền, góp sức giúp đỡ các ngư dân và tàu thuyền gặp sự cố, rủi ro trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cư (bên trái) cùng cán bộ Nghiệp đoàn đến trao tiền hỗ trợ cho chủ tàu cá bị nạn
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cư (bên trái) cùng cán bộ Nghiệp đoàn đến trao tiền hỗ trợ cho chủ tàu cá bị nạn

Tấm lòng đoàn kết của ngư dân 

Chưa kết thúc năm 2016 nhưng các ngư dân trong Nghiệp đoàn nghề cá ở Phổ Quang đã kết sổ và đánh giá là một năm thành công của nghề biển do ngư dân chịu khó vươn khơi, bám biển và các đoàn viên trong Nghiệp đoàn tạo nhóm hỗ trợ lẫn nhau. Tàu làm nghề lưới rút thành công nhất là ông Huỳnh Luận. Làm nghề lưới rê thành công nhất là tàu cá của ông Đồng Văn Ngắn. Bạn chài đi trên tàu, chưa hết năm đã được chia phần bạn trên 90 triệu đồng.

Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang ra đời cách đây 4 năm. Chủ tịch Nghiệp đoàn là ông Mai Cho. Dù không đi biển nhưng mỗi khi có tàu bị nạn, hay ngư dân hành nghề bị tai nạn, ông Cho liền hô hào các ngư dân khác ủng hộ và tự mình đóng góp trước. Đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang đã phát triển có 1.120 đoàn viên, hỗ trợ cho 4 tàu cá bị nạn. 

Theo quy chế mà Nghiệp đoàn cùng bà con làng chài tự soạn thảo và thống nhất, khi có tàu bị nạn thì mỗi đoàn viên trong Nghiệp đoàn tự nguyện ủng hộ 500 nghìn đồng. Hằng năm, mỗi đoàn viên đóng góp cho quỹ 150.000 đồng. Định kỳ trong năm, Nghiệp đoàn tổ chức tổng kiểm tra tài chính và công khai kinh tế, với sự giám sát của đại diện ngư dân trong làng chài. Cơ chế công khai, minh bạch, sử dụng tài chính hiệu quả và đúng mục đích của Nghiệp đoàn đã tạo ra sự tin cậy đối với ngư dân. Nhờ đó, quỹ của Nghiệp đoàn ngày càng phát triển bình ổn, góp phần phục vụ cho chính ngư dân địa phương.

Ông Võ Văn Cẩm, thủ quỹ của Nghiệp đoàn và cũng là một chủ tàu cá nên  luôn gương mẫu đi đầu. Mỗi khi có vụ việc cần đóng góp, ông Cẩm thường là người đầu tiên đưa tên mình vào danh sách và ủng hộ từ 500 nghìn đồng  trở lên để ngư dân làng chài phấn khởi tham gia. Các chủ tàu Võ Văn Đồng, Đặng Cận thường ủng hộ 1 triệu đồng. Ngư dân Đặng Úc chưa vào Nghiệp đoàn nghề cá, nhưng vẫn luôn ủng hộ 500 nghìn đồng, với cái lý của ông là “họ sao mình vậy, đoàn kết chia sẻ lúc trong bờ cũng như lúc ngoài biển thì làm nghề khơi mới tồn tại”.

Khi mọi người vì mỗi người

Năm 2015, tàu cá của ngư dân Nguyễn Thanh Hùng bị tàu hàng đâm chìm, Nghiệp đoàn đã huy động được 50 triệu đồng, các đoàn thể địa phương vận động được 30 triệu đồng, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 50 triệu đồng giúp ông Hùng khắc phục tàu bị hư hỏng. Cầm số tiền trên tay, chủ tàu luôn nhắc đến “tấm lòng đoàn kết” của bà con làng chài không bỏ người hoạn nạn.

Do ảnh hưởng của thời tiết xấu, ngày 8/10/2016, tàu cá QNg 98783TS của ngư dân Nguyễn Văn Tư ở xã Phổ Quang bị mắc cạn hư hỏng nặng tại cửa biển Mỹ Á.Ngay khi nhận được tin, ông Võ Văn Cẩm - cán bộ Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang đã liên tục gọi điện thoại và nhận tin nhắn từ các chủ tàu cá ở ngoài khơi.

Ông Cẩm - thủ quỹ của Nghiệp đoàn cho biết: “Chỉ sau 3 ngày thông báo, ngư dân ở các thôn Bàng An, Phàn Thất và Hải Ninh đã quyên góp được trên 80 triệu đồng. Nếu nhận đủ số tiền ủng hộ thì tàu cá bị nạn sẽ được hỗ trợ trên 100 triệu đồng. Bà con tự nguyện 100% và rất vui vẻ. Không ai thắc mắc gì hết vì mọi người đã thống nhất với phương thức hỗ trợ theo cách xoay vòng bao năm nay rồi”. 

Tại bãi đóng tàu thôn Hải Ninh, xã Phổ Quang, tàu cá QNg 98783TS của ông Tư đã được kéo lên ụ để sửa chữa. Tàu QNg 98783TS bị vỡ toác bụng phía mạn trái khi neo đậu tránh bão. Ông Tư chủ tàu cho biết: “Thời điểm tàu mắc cạn cứ nghĩ là bỏ luôn, chỉ lấy được máy. Nhưng mà anh em trong Nghiệp đoàn đã huy động 7 tàu với hơn trăm ngư dân ra biển cứu kéo từ 3 giờ sáng đến gần trưa mới “nhổ” được tàu ra khỏi chỗ cạn. Sau đó, ngư dân phải ghanh phao để kéo tàu chạy ngầm dưới nước vô tới bãi đà sửa chữa”.

Sau khi hỗ trợ xong tàu anh Tư, Nghiệp đoàn đã mua quà đi thăm các ngư dân bị nạn trên biển, đó là anh Nguyễn Ngọc Anh đi trên tàu của Nguyễn Cu; thăm ngư dân Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Tấn Bắc đi trên các tàu cá khác nhưng bị tai nạn và thương tích nhẹ”. Việc mở rộng đối tượng thăm hỏi của Nghiệp đoàn xuất phát từ số tiền quỹ ngày càng dồi dào, các ngư dân đã thống nhất bổ sung điều khoản mới để tăng thêm tình đoàn kết xóm làng. Đó là quy định về việc hỗ trợ và mua quà tặng cho cha mẹ ruột của các đoàn viên đau ốm, ngư dân bị ốm nặng. Đặc biệt là các ngư dân bị tai nạn trên biển được hỗ trợ và động viên kịp thời. 

Đọc thêm