Khi Thủ tướng lắng nghe “hơi thở cuộc sống”

(PLO) - Báo Pháp luật Việt Nam ngày 15/12 có bài: “Thủ tướng lắng nghe chuyên gia hiến kế xây dựng chính sách”. Theo đó, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ luôn cố gắng lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, “lắng nghe hơi thở cuộc sống hiện nay, những vấn đề bất cập để có giải pháp ứng phó để phát triển bền vững”. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ trân trọng và sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe các ý kiến của chuyên gia và “cuộc thảo luận của chúng ta sẽ kéo dài hơn chứ không chỉ có hơn hai tiếng đồng hồ”.

Chúng ta từng xây dựng chiến lược, quy hoạch, làm chính sách “trên mây”, ít chịu nghe hiến kế của các chuyên gia và nhân dân. Sự đổ vỡ của các quy hoạch mía đường, xi măng lò đứng, công nghiệp ô tô... trước đây là hiện nay đều thoát ly thực tế, thoát ly thị trường.

Không đâu xa, chỉ riêng viên gạch lát quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhiều thế hệ Chủ tịch Hà Nội đã luẩn quẩn. Chỉ riêng việc này, theo Báo Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Đức Chung cho biết: “Sẽ thay gạch lát quanh hồ Hoàn Kiếm bằng đá tự nhiên”. Viên gạch thôi, nhưng chưa bao giờ dân được tham vấn.

Hôm qua - 15/12, Hà Nội vận hành thử tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội (được đầu tư 55 triệu USD - tương đương trên 1.100 tỉ đồng - bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới) từ bến Kim Mã (quận Ba Đình) đến Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Cho đến nay nhiều hạng mục, nhà ga của tuyến xe buýt này vẫn còn ngổn ngang.

Liệu dự án này còn tồn tại hay sẽ chịu chung số phận như dự án “đắp lươn”, “đắp chạch” trên các tuyến phố mà Hà Nội đã làm? Không thể trả lời được. Có điều nhiều chuyên gia đô thị đã phải than trời: Hứng lên là làm! Chuyên gia Nguyễn Xuân Thuỷ: Nguy cơ vỡ trận vì cán bộ yếu về chuyên môn và tầm nhìn. “Việc xây dựng tuyến xe buýt nhanh chỉ mất nửa năm, 1 năm vì đầu tư không có gì ghê gớm nhưng ở Việt Nam do bê nguyên xi mô hình ở nước ngoài lại đòi hỏi quá cao nên cuối cùng kéo dài 4 - 5 năm gây ra lãng phí. Hiện đường Thủ đô quá chật, mặt cắt nhỏ, các phương tiện quá nhiều, nên nếu xe buýt chạy đường riêng thì phương tiện khác không biết đi đường nào. Điều này cho thấy cán bộ yếu kém về chuyên môn và tầm nhìn”, ông nói.

Đất nước đã và đang tiếp tục trả giá vì lãnh đạo chỉ quan tâm đến “có dự án”, “tư duy nhiệm kỳ” và “hứng thì làm”.

Chính sách được hiểu là công cụ không thể thiếu để định hướng phát triển. Với vai trò được ủy quyền quản lý xã hội, việc hoạch định và thực thi chính sách là một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của Nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… phát sinh trong đời sống thực tiễn.

Đáng tiếc, hiện vẫn còn nhiều chính sách xa rời thực tế, khó áp dụng nên chưa trở thành “hơi thở cuộc sống”.

Đọc thêm