Kho báu lớn chờ các tỉnh khai thác

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng y học cổ truyền là một kho báu và và ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng phát triển rất to lớn. Tất cả các địa phương đều có thể phát triển dược liệu nhưng việc khai thác, chế biến còn nhiều bất cập...
Kho báu lớn chờ các tỉnh khai thác

Chủ trì Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam tại Lào Cai, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam có truyền thống quý báu về y học cổ truyền và có nhiều cây thuốc quý nổi tiếng.

Với điều kiện tự nhiên của đất nước, chúng ta có trên 5.000 loài cây thuốc để làm dược liệu, thuốc chữa bệnh. Đây là thế mạnh của tất cả các địa phương, kể cả Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM, An Giang…, có thể phát triển dược liệu ở mọi miền của Tổ quốc với giá trị gia tăng lớn, trước hết là phục vụ người dân trong nước và có thể xuất khẩu.

Những cây dược liệu không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà có thể giúp một bộ phận không nhỏ nhân dân ấm no, hạnh phúc, giàu có. Tiềm năng to lớn như vậy nhưng các địa phương chưa quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị của cây dược liệu. Khai thác, chế biến còn nhiều bất cập. Nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Vấn đề nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến dược liệu còn manh mún, chưa bắt kịp với nhiều nước trong khu vực cũng như còn nhỏ lẻ, chưa bảo đảm sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu to lớn của thị trường 100 triệu dân và xuất khẩu. 

“Có ý kiến cho rằng còn rẻ hơn cả khoai lang, thậm chí nói rằng chúng ta ăn bã còn cái tinh túy, dinh dưỡng, tốt đẹp người ta lấy mất rồi”, Thủ tướng nói.

Nêu ra thực trạng, Thủ tướng đồng thời yêu cầu lãnh đạo một số bộ, ngành và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị thảo luận tìm ra cái gì cản trở và làm cách nào tạo đột phá tiềm năng to lớn trên. Từ đó, đề xuất những chính sách, nhất là cơ chế, giải pháp đột phá để làm rõ, thu hút đầu tư, khuyến khích người dân, doanh nghiệp nuôi trồng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tốt nhất cây dược liệu.

"Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất quan tâm y học cổ truyền, xác định y học cổ truyền là một kho báu để khai thác tiềm năng lợi thế đó”, Thủ tướng khẳng định.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, Việt Nam may mắn sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng…Chúng ta đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước.

Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60-80.000 tấn/năm. Khối lượng dược liệu xuất khẩu theo thống kê đạt gần 5.000 tấn, đem lại giá trị trên 6 triệu USD mỗi năm.

Giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa). Thí dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; cây atiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm.

Mặc dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nghịch lý là hiện nay trong nước mới chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% còn lại chúng ta phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trước kia, một số dược liệu có thể khai thác hàng chục ngàn tấn mỗi năm như ba kích, đẳng sâm, hoàng tinh... thì thực tế hiện nay, nhiều cây thuốc đã được đưa vào sách đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cây hoàng liên trước kia là đặc trưng của dãy núi Hoàng Liên Sơn nay chỉ tìm thấy dạng dấu tích.

Đọc thêm