Khổ vì bạn đời hoang phí

 

Nghe tiếng vợ gọi từ trong nhà tắm nhờ lấy quần áo cho cậu con trai 4 tuổi, anh Lâm mở tủ và suýt giật mình khi đống quần áo của con đồ ào xuống đất. Trong đó, có nhiều bộ vẫn còn nguyên nhãn mác dành cho trẻ 2 tuổi mà vẫn chưa hề một lần được mặc...

Nghe tiếng vợ gọi từ trong nhà tắm nhờ lấy quần áo cho cậu con trai 4 tuổi, anh Lâm mở tủ và suýt giật mình khi đống quần áo của con đồ ào xuống đất. Trong đó, có nhiều bộ vẫn còn nguyên nhãn mác dành cho trẻ 2 tuổi mà vẫn chưa hề một lần được mặc...

Vô tư tiêu vì có người kiếm tiền

Chưa hết bực bội vì phải chứng kiến cái tính vô tư tiêu tiền của vợ qua tủ quần áo của con, bước chân vào buồng tắm, anh Lâm lại nhìn thấy chiếc giỏ đầy ắp các loại nhãn mác quần áo vừa mới được cắt ra. Bên cạnh đó là một chậu to quần áo trẻ em mới đang được ngâm. Giọt nước đã tràn ly. “Tối nay nhất định mình phải nói chuyện này mới được” - anh Lâm tự nhủ.

Hà - vợ anh Lâm, công bằng mà nói, chẳng có tật xấu gì ngoài cái “tật” nghiện mua sắm. Không ngày nào Hà đi làm về mà trong cốp xe của cô không có một hai túi hàng mới mua. Khi thì quần áo, khi thì giầy dép, nữ trang... Và thậm chí là cả những thứ mà một gia đình nhỏ chỉ cần có một hoặc nhiều lắm là hai cái là đủ như máy sấy, bàn là... Hà cứ thấy rẻ hoặc hay hay là mua, bất kể về có dùng hay không. Nhà chỉ có hai vợ chồng và một đứa con, nhưng nhìn Hà đi chợ ai cũng nghĩ nhà cô hẳn phải có 6,7 người ăn. Hà thanh minh: “Ra chợ nhìn thấy thứ gì ngon ngon cũng muốn mua. Hôm nay ăn không hết thì để tủ lạnh, mai ăn, lo gì”. Nói là vậy, nhưng đồ ăn một bữa đã ngán, đến bữa thứ hai thì cả hai vợ chồng đều chẳng buồn đụng đũa tới món đó, thành ra lại phải mang đổ bỏ.

Khổ vì bạn đời hoang phí ảnh 1
 

Đợt này, kinh tế chung lao đao lại thêm bão giá khiến nhiều cơ quan lương lậu ít hẳn đi, công ty kinh doanh nơi Hà làm việc cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Vậy mà dường như điều này vẫn không “chữa” được cái bệnh nghiện mua sắm của cô. Có nhiều lúc cô cũng thấy giật mình, nhưng rồi không sao cưỡng lại được và cô lại tặc lưỡi: “Lo gì, lương bố Lâm hơn chục triệu cơ mà” để tiếp tục vung tay.

Đúng là lương tháng của anh Lâm xấp xỉ 13 triệu đồng/tháng nhưng rốt cuộc không tháng nào hai vợ chồng để dành được tí tiền nào. Tính mua sắm vô tư đến mức vô tội vạ đã ngấm vào máu  của Hà cộng thêm biến động từ cơn bão giá đã khiến cho số tiền ở danh mục chi cứ tăng lên, ngân sách gia đình hai vợ chồng vào mỗi ngày cuối tháng trở nên eo hẹp.

Nộp lương xong là...vô tư

Chiều qua, tan sở thay vì về nhà luôn, Loan chạy xe ghé qua nhà bà dì vốn là giáo viên tâm lý nghỉ hưu để... than thở. Vừa nhìn thấy dì, mọi nỗi bức bối trong người Loan như vỡ òa ra. Cô vừa nói vừa khóc: “Dì ơi, con khổ quá. Có ai như chồng con không hả dì?”. Vừa an ủi cháu gái, dì của Loan vừa từ từ gợi chuyện để nghe cháu kể đầu đuôi ngọn ngành. Hóa ra, Văn - chồng Loan chẳng phải hư đốn gì. Điều khiến Loan bực là anh dường như không hề biết đến bất kỳ thứ gì liên quan đến đồng tiền như giá trị, bão giá... nên với anh chỉ cần đến tháng nộp lương cho vợ là xong. Sau đó không quan tâm xem vợ xoay xở, lo toan cho gia đình thế nào.

Cả hai vợ chồng Loan - Văn đều là công chức với tổng mức lương hai người gần 6 triệu đồng/tháng. Số tiền đó, lại thêm đứa con gái bắt đầu vào lớp 1 nhiều khi khiến Loan phải toát mồ hôi chèo chống chuyện chi tiêu. Thế nhưng, Văn dường như chẳng biết gì về chuyện đó. Anh cứ nghĩ hàng tháng đem nộp hết cho vợ 3 triệu đồng tiền lương là đủ. Dù sau đó, vợ anh có đưa lại cho anh 1 triệu đồng để chi tiêu riêng thì số tiền lương kia chỉ còn có 2 triệu, anh cũng không hề băn khoăn.

“Đã thế, thi thoảng, hứng chí chồng con lại yêu cầu đưa ít tiền để tân trang chiếc xe máy, nhà cửa. Khi con nói nhà mình làm gì có dư từng ấy thì anh ấy nhướn mắt nhìn con như người hành tinh khác với câu hỏi: Thế tiền lương anh đưa đâu rồi?” - Loan thổn thức kể với bà dì. “Sao con lại lấy đúng người vô tư, vô tâm thế hả dì?”. Nghe thủng câu chuyện, với kinh nghiệm là giảng viên tâm lý, dì của Loan nhẹ nhàng bày cách cho cháu gái...

Mẹo đối phó với bạn đời vô tư


Y lời dì bày vẽ, ngay tối đó, Loan lập một cuốn sổ chi tiêu với đủ các cột thu, chi, mục đích sử dụng, tiền còn lại... để trên bàn. Loan cũng không cất tiền của gia đình nữa mà cho phong bì kẹp luôn vào sổ để hai vợ chồng cùng có thể sử dụng khi cần, với yêu cầu nhất thiết phải ghi công khai vào sổ. Thời gian đầu, Văn vui lắm vì không phải hỏi tiền vợ. Thế nhưng, sau vài lần tiêu pha, thấy số tiền còn lại quá ít trong khi còn nửa tháng nữa mới đến kỳ lương, tiền học thêm của con cũng chưa đóng, Văn giật mình. Từ đó, trong cách nói năng với vợ, Văn không còn kiểu ảo tưởng về số tiền lương mình mang về nữa. Tích cực hơn, Văn bắt đầu tìm việc làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập gia đình.

Chia sẻ với các đấng mày râu có vợ mắc chứng “bệnh” vô tư tiêu tiền, ông Nguyễn Bá Đạt, chuyên gia tâm lý trẻ em và gia đình (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một trong những cách hay là người chồng nên chịu khó đi mua sắm cùng vợ. Khi đó, lúc người vợ vung tay, người chồng thường có cơ hội nhỏ to, can ngăn, phân tích ngay. Cứ dần dà như vậy, sẽ góp phần hạn chế được ham muốn mua sắm của các chị. Còn nếu như không có thời gian làm vậy, thì hãy lắng nghe kinh nghiệm của ông C ở Từ Liêm, Hà Nội là một người chồng đã “thuần” được vợ tiêu hoang. Theo đó, vợ ông rất nóng tính. Góp ý với vợ,  ông phải nhẹ nhàng và bao giờ cũng bắt đầu bằng một lời khen rồi mới đưa ra những mục tiêu chung của gia đình như gom tiền để năm sau phải mua được xe ga, 7 năm nữa mua được nhà ở mặt phố... Dần dần, bà vợ đã hạn chế những khoản chi không cần thiết...

Hạnh Quyên 

Đọc thêm