Không chờ chỉ đạo mới làm

(PLO) - Thông thường, khi có sự việc gì nổi cộm, dư luận quan tâm thì Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng có chỉ đạo, yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ trong một thời hạn nhất định. Gần đây, là các vụ việc ở Yên Bái hoặc vụ đóng tàu thép gỉ cho ngư dân.
Không chờ chỉ đạo mới làm

Thông thường, khi có sự việc gì nổi cộm, dư luận quan tâm thì Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng có chỉ đạo, yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ trong một thời hạn nhất định. Gần đây, là các vụ việc ở Yên Bái hoặc vụ đóng tàu thép gỉ cho ngư dân.

Vụ tàu vỏ thép kém chất lượng đã lình sình từ lâu, chứng cứ tráo thép, tráo máy đã rõ, sự lỳ lợm tìm cách đối phó của các công ty đóng tàu cũng đã bị phanh phui. Tuy nhiên, hình như lỗi chỉ do công tác giám định không đến nơi, đến chốn và chưa có một động thái tích cực nào để xử lý những người gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực này.Vì thế, dư luận bức xúc và mong mỏi cơ quan điều tra công an vào cuộc, làm rõ sai phạm cũng như tìm biện pháp khắc phục. Giờ Thủ tướng đã chỉ đạo, đúng tâm nguyện của nhân dân, mong rằng việc điều tra, xử lý sớm có kết quả.

Vụ nước mắm “nhiễm a-sen” khiến dư luận phẫn nộ, thế nhưng, việc xử kẻ chủ mưu là Vinastas xem ra rất nhẹ nhàng, dư luận lại dậy sóng. Vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu xem xét lại các xử lý đối với Vinastas. Âu cũng là một yêu cầu được dư luận đón đợi.

Tuy nhiên, việc Thủ tướng phải ra chỉ thị, yêu cầu đối với từng vụ việc cũng phản ảnh một thực trạng đáng buồn của địa phương hoặc các ngành chức năng không chịu làm hết chức năng của mình mà Thủ tướng đã gọi tên tình trạng này là “văn hóa không nhúc nhích”. Có nhiều việc lẽ ra không phải chờ đến ý kiến chỉ đạo hoặc yêu cầu của Chính phủ mới làm, ví dụ như việc xử lý “cò mứt” ở Đà Lạt hoặc việc bổ nhiệm người nhà, hoặc một vụ án cụ thể, hoặc nạn “cát tặc”, hoặc ai đó bị đe dọa. Cái gì cũng kêu cứu lên Thủ tướng và yêu cầu giải cứu thì còn thời gian và sức lực đâu để xây dựng mô hình Chính phủ kiến tạo?!.

Đọc thêm