Không cho xây dựng thêm các công trình thủy điện

(PLO) - Đó là kiến nghị của ĐB Ksor Phước Hà (Gia Lai) tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) sáng 19/6.
Nhiều khu rừng ở huyện Ea Súp (Dak Lak) bị chặt phá không thương tiếc.
Nhiều khu rừng ở huyện Ea Súp (Dak Lak) bị chặt phá không thương tiếc.

Theo ĐB Ksor Phước Hà, việc hàng loạt công trình thủy điện lớn, nhỏ, trải dài theo những khe suối, con sông xả lũ “đúng quy trình” khiến trâu, bò được “trèo” lên ngọn cây, mái nhà nên đề nghị chấm dứt không cho xây dựng các công trình thủy điện nữa. Ngoài ra, ĐB cũng băn khoăn khi thấy Tây Nguyên đang ngày càng bị sa mạc hóa, không những rừng bị tàn phá nặng nề mà đến đất rừng cũng bị đào bới mang đi, nhưng “Theo Luật Đất đai thì bị phạt hành chính. Đất rừng mà còn bị mang đi bán thì trồng rừng bằng niềm tin hay sao? Ta có nên gọi diện đối tượng này là “địa tặc” hay không? Tôi đề xuất cần phải xử lý việc lấy đất rừng cũng như xử lý đối với cây rừng”.

Góp ý về dự án Luật này, ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) đề nghị bổ sung điều khoản “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, tiếp tay khai thác rừng, săn bắt động vật rừng để buôn bán trái pháp luật” vào Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật. Bởi, theo ĐB, thực tế cho thấy không ít vụ việc khai thác gỗ, săn bắt, buôn bán động vật rừng có sự tiếp tay, bao che của người có chức có quyền và sự làm ngơ của lực lượng chức năng.

Cho rằng dự thảo luật còn một số điểm chưa chặt chẽ, có thể dẫn đến lách luật như tại điểm a khoản 1 Điều 66 quy định việc tận dụng cây gỗ chết, cây gãy đổ trong phân khu dịch vụ hành chính của Nhà nước…., ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) phân tích: “Tôi thấy trên thực tế đã xảy ra sự việc người ta có thể bằng nhiều cách khác nhau làm cây chết như bóc vỏ, cuốn dây thép hoặc cưa quanh thân cây vào tận lõi để cây chết dần, chết mòn, sau đó làm thủ tục xin tận thu”.

Ngoài ra, một số ĐB đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể trong dự thảo Luật về chính sách đối với bảo vệ và phát triển rừng như ưu tiên đầu tư, khuyến khích chính sách khoa học công nghệ, chính sách đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số là những người gắn bó mật thiết với rừng…

Hôm qua (19/6), QH đã biểu quyết về đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về việc bổ nhiệm 2 ông Lê Hồng Quang và Nguyễn Văn Tiến làm Thẩm phán TANDTC.

Với 454/461 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,46% tổng số ĐBQH), QH cũng đã thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 với mức bội chi ngân sách là 6,28% tổng GDP. Đáng chú ý, Nghị quyết giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành NSNN; báo cáo cụ thể với QH về danh sách, mức độ, xử lý sai phạm trong quản lý, điều hành NSNN 2 năm 2014-2015 khi trình báo cáo quyết toán NSNN năm 2016.

Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được QH thông qua trong cùng phiên họp với tỉ lệ 403/449 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 82,08% tổng số ĐBQH). Tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng trong dự án là khoảng 23.000 tỷ đồng. Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác này.

QH cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam — Lào và Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Du lịch (sửa đổi) và Luật Thủy lợi.  

Đọc thêm